Có nên tắm nắng cho trẻ sơ sinh để tổng hợp vitamin D không?
Không thể phủ nhận vai trò của việc tắm nắng trong quá trình phát triển của bé. Tắm nắng trong điều kiện thời tiết phù hợp mang đến những ảnh hưởng tích cực cho sức khỏe của bé. Tuy nhiên, có nên tắm nắng cho trẻ sơ sinh với mục đích tổng hợp vitamin D không, cùng arau.baby tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Vì sao trẻ em, đặc biệt trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu cần bổ sung vitamin D?
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ là rất thấp. Trong khi đó, nhu cầu vitamin D khuyến nghị cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ <6 tháng là 400UI/ngày, gấp khoảng 26 lần hàm lượng vitamin D có trong sữa mẹ.
Ở trẻ em, đặc biệt trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn, nếu không có sự bổ sung vitamin D từ các nguồn khác, sẽ dẫn đến sự thiếu hụt vitamin D, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Cụ thể, trẻ có thể mắc bệnh còi xương, dẫn đến chiều cao thấp và biến dạng xương hoặc chậm mọc răng…
Tắm nắng như thế nào có thể tổng hợp vitamin D?
Để tổng hợp được vitamin D bằng việc tắm nắng, trẻ sơ sinh cần phải cởi bỏ quần áo (chỉ mặc tã, che mắt) để bề mặt da của thân mình tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời (do tia UVB không thể xuyên qua quần áo, cửa kính)
Theo lý thuyết, để tiếp xúc được với tia UVB, loại tia có vai trò tổng hợp vitamin D, thời gian tắm nắng nên từ 10h sáng -15h chiều trong ngày. Bởi đây là thời gian mà lượng tia UVB trong ánh sáng mặt trời cao nhất, ngoài thời gian này chủ yếu là tia UVA (tia này không có vai trò trong tổng hợp vitamin D). Trong khoảng thời gian mùa hè, phơi nắng khoảng 10-15 phút vào thời điểm 10h-15h mỗi ngày là đủ đáp ứng nhu cầu vitamin D của hầu hết mọi người.
Có nên tắm nắng cho trẻ sơ sinh để tổng hợp vitamin D không?
Thực tế với điều kiện thời tiết mùa hè ở các nước nhiệt đới nắng nóng như nước ta, việc cho trẻ phơi nắng trong khoảng thời gian từ 10h sáng -15h chiều sẽ gây ra các nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ như bỏng da, tăng nguy cơ lão hóa và ung thư da…
Trong khi đó, việc thực hành tắm nắng ngoài khoảng thời gian trên mặc dù dễ chịu hơn tuy nhiên lại không đem lại đủ lượng vitamin D cơ thể cần, và tương tự, mùa đông thì không thể áp dụng phương pháp này.
Theo khuyến cáo của Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ, nên hạn chế cho trẻ em phơi nắng, thay vào đó, có thể bổ sung vitamin D qua các nguồn khác (thức ăn hoặc chế phẩm vitamin D).
Như vậy có thể kết luận, chúng ta không nên tắm nắng cho trẻ sơ sinh với mục đích tổng hợp vitamin D. Tuy nhiên, ba mẹ hoàn toàn có thể cho trẻ tắm nắng trước 9h sáng để tăng đề kháng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bé. Bên cạnh đó, ba mẹ cần đồng thời bổ sung vitamin D thông qua thức ăn và đặc biệt và qua các chế phẩm vitamin D.
Bài viết có tham khảo từ bệnh viện Nhi đồng 1.