Những cách tiệt trùng bình sữa an toàn, hiệu quả cho bé

Một số vi sinh vật như virus, vi khuẩn và nấm có thể tích tụ trong bình sữa. Sau đó, chúng sẽ vào sữa của bé và xâm nhập vào cơ thể, khiến bé bị tiêu chảy, nhiễm nấm … Vì vậy, mẹ cần phải tiệt trùng bình sữa đúng cách trước khi cho bé bú.

Có nhiều phương pháp để tiệt trùng bình sữa cho bé. Dưới đây là một số phương pháp được sử dụng nhiều nhất:

Đun sôi

Đun sôi là cách được sử dụng phổ biến vì tương đối đơn giản, tiết kiệm và dễ thực hiện.

Mẹ sử dụng một chiếc nồi inox mới chuyên để luộc bình sữa, đổ nước sao cho có thể ngập được bình sữa (khoảng 2/3 nồi) và cho lên bếp đun.

Cho thân bình sữa vào nồi nước sôi khoảng 10 phút (nếu là bình sữa thủy tinh thì cho phần thân bình vào từ lúc nước lạnh). Bạn cũng có thể cho thêm một thìa giấm để loại bỏ cặn vôi do sữa để lại.

Sau 10 phút mẹ tiếp tục cho núm vú, nắp đậy, nắp vặn và các vật dụng khác như thìa, dụng cụ thông núm vào, đậy nắp, đun tiếp 5 phút nữa. Cuối cùng, dùng kẹp để vớt mọi bộ phận bình sữa ra úp trên giá úp bình sữa để chúng được khô ráo tự nhiên.

Tiệt trùng bình sữa bằng hơi nước

Đây là cách tiệt trùng bình sữa thủ công cầu kỳ, mất nhiều thời gian hơn so với tiệt trùng bình sữa bằng nước sôi nhưng được nhiều người đánh giá là hiệu quả cao.

Cách thực hiện ban đầu giống với cách tiệt trùng bình sữa bằng nước sôi nhưng thay vì thả bình sữa trực tiếp vào nước thì mẹ chuẩn bị thêm một vỉ sắt đặt lên trên miệng nồi và úp ngược các bộ phận bình sữa lên vỉ. Phương pháp này tiêu diệt vi khuẩn, khử mùi trong bình sữa hoàn toàn bằng hơi nước nên cần duy trì trong khoảng thời gian dài từ 20 – 30 phút. Các bộ phận của bình sữa không tiếp xúc với nước nên rất an toàn.

Tiệt trùng bằng lò vi sóng

Nếu có lò vi sóng mẹ cũng có thể tiệt trùng bằng cách này vô cùng tiện dụng.

Để thực hiện mẹ cần có hộp tiệt trùng bình sữa, dạng hộp có nắp đậy, có khay chứa nước và giá úp bình y như máy tiệt trùng. Cách thực hiện giống với dùng máy tiệt trùng nhưng thay vì cắm điện, bật công tắc thì mẹ bỏ hộp vào lò vi sóng, hẹn giờ từ 2 – 6 phút tùy vào công suất của lò.

Lưu ý, đảm bảo lò vi sóng sạch sẽ trước khi sử dụng để tiệt trùng bình sữa. Cẩn thận để tránh bị bỏng khi lấy hộp đựng ra khỏi lò vi sóng.

Tiệt trùng bằng máy tiệt trùng bình sữa

Phương pháp tiệt trùng bình sữa chuyên dụng hiệu quả, nhanh gọn và an toàn cho bé.

Bỏ ra một khoản đầu tư mua máy tiệt trùng bình sữa đổi lại mẹ có phương pháp chuyên dụng hiệu quả, nhanh gọn và an toàn cho bé. Một lần có thể hấp được nhiều bình sữa cho bé.

Sau khi đổ nước vào khay chứa nước mẹ chỉ cần đặt các bộ phận của bình sữa đã tháo rời vào máy. Đậy kín và bật công tắc, máy sẽ tự động ngắt điện sau khoảng 10 – 15 phút sau khi hoàn thành quá trình tiệt trùng bình sữa.

Lưu ý: không được đổ nhiều nước hơn so với dung tích khay chứa làm tràn nước ra ngoài. Việc làm này có thể gây hỏng máy, nguy hiểm hơn là bị chập điện. Sau khi tiệt trùng xong phải đổ bỏ lượng nước còn ở trong khay.

Những điều cần phải làm khi tiệt trùng bình sữa cho bé

Sử dụng nước lọc: Nước máy thông thường có thể có chứa các hóa chất độc hại. Do đó, mẹ nên sử dụng nước đã được lọc để tiệt trùng. Thậm chí, ngay cả khi mẹ tiệt trùng bình sữa bằng hơi nước thì vẫn nên sử dụng nước lọc để đảm bảo vệ sinh.

Làm sạch bình sữa: Trước khi tiệt trùng, mẹ rửa sạch bình sữa, núm vú và muỗng múc sữa bằng nước ấm và nước rửa bình sữa arau.baby nhé.

Mua bình sữa được làm từ nhựa chất lượng cao, không có chứa BPA.

Bảo quản riêng bình sữa của bé: Sử dụng vải sạch để lau khô bình sữa của bé sau khi đã khử trùng. Bảo quản ở một khu vực riêng biệt và nếu được, mẹ có thể bảo quản trong một hộp kín để tránh bụi.

Chỉ mở nắp bình sữa trước khi cho bé bú. Sau khi tiệt trùng, luôn đậy nắp để giữ vật dụng không bị vi khuẩn xâm hại.

Rửa tay bằng xà phòng thật kỹ trước khi cầm bình sữa sau khi đã tiệt trùng. Mẹ cũng có thể dùng kẹp để lấy các bộ phận như núm vú, nắp bình sữa… và đặt lên một bề mặt sạch sẽ.

Không để bình sữa đã tiệt trùng ở ngoài quá lâu. Đặt bình sữa vào các thiết bị bảo quản và lấy ra trước khi dùng.

Chia sẻ ngay để hệ tiêu hóa của bé luôn được bảo vệ mẹ nha!

Nguồn: hellobacsi.com

← Bài trước Bài sau →