Sai lầm thường gặp khi cho bé ăn dặm
Khi bé bước vào giai đoạn ăn dặm, rèn thói quen ăn uống cho bé là việc bất kỳ người làm cha mẹ nào cũng trải qua. Để hành trình này “ít chông gai nhất có thể”, ba mẹ cần tìm hiểu về những sai lầm thường gặp khi cho bé ăn dặm để rút kinh nghiệm cho bản thân. Cùng arau.baby tìm hiểu vấn đề này trong bài viết sau đây nhé!
Ăn dặm quá sớm
Có không ít bé được cho ăn dặm vào thời điểm chưa thích hợp, có thể sớm hơn, có thể muộn hơn khiến sức khỏe của bé chịu nhiều ảnh hưởng xấu. Đa phần các mẹ hay mắc phải việc cho bé ăn dặm quá sớm trong giai đoạn trẻ được 3 hoặc 4 tháng tuổi vì những hiểu lầm dẫn đến việc ăn dặm quá sớm như: nhầm lẫn biểu hiện sẵn sàng ăn dặm của con, quan điểm ăn dặm sớm cho chắc dạ…
Chính vì vậy, mẹ cần tìm hiểu kỹ về thời điểm thích hợp cho bé bắt đầu ăn dặm và quan trọng là mẹ cần lắng nghe và hiểu bé nhà mình. Hiểu khi nào bé sẵn sàng, hiểu khi nào là đã đến lúc ăn dặm… Vì khi mẹ cho bé ăn dặm quá sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bé. Những ảnh hưởng này không nhìn thấy ngay lập tức nhưng chúng sẽ tích lũy dần dần và ảnh hưởng lâu dài về sau.
Không tôn trọng nhu cầu ăn của con
Việc ép bé ăn quá nhu cầu ăn của bé là việc rất dễ gặp ở các bà mẹ Việt, nhất là ở những bé ăn dặm theo phương pháp truyền thống. Vì theo quan điểm khi nấu ăn, các bà các mẹ thường nấu “thừa còn hơn thiếu”. Hơn nữa, bữa ăn của bé thường được “đong” theo bát ăn của người lớn. Khi bé ăn đủ no và từ chối ăn thì thường được ép vì “cố nốt cho hết” hoặc “còn có một thìa nữa” nên bé thường phải ăn quá nhu cầu dẫn đến sợ ăn.
Ba mẹ cần hiểu rằng mỗi bé có một thể trạng khác nhau cũng giống như người lớn chúng ta, cùng cân nặng nhưng có người ăn nhiều, có người ăn ít, có hôm ăn ngon miệng, nhưng có hôm cảm thấy không muốn ăn. Điều quan trọng là mẹ cần tôn trọng nhu cầu ăn của con và không ép bé để tránh khiến bé sợ mỗi khi đến giờ ăn.
Thần thánh “nước hầm xương”
Thói quen hầm xương lấy nước nấu cháo cho bé ăn dặm rất phổ biến vì các mẹ cho rằng dưỡng chất tan ra trong nước. Khi mới ăn dặm, bé chỉ ăn cháo bột nên việc lấy nước hầm xương để nấu cháo là phương pháp có vẻ mang lại khá nhiều dinh dưỡng cho bé.
Thực tế, nước hầm xương cho bé ăn dặm rất ít canxi và nghèo chất dinh dưỡng vì những dưỡng chất nằm ở phần thịt, khi được nấu trong nhiều giờ các chất dinh dưỡng sẽ bị mất đi bởi nhiệt. Hơn nữa, lượng chất béo tiết ra từ tủy xương sẽ khiến bé đầy bụng, khó tiêu. Thay vào đó, mẹ có thể sử dụng nước dùng từ rau củ quả để cung cấp các dưỡng chất cần thiết trong giai đoạn ăn dặm của bé.
Chủ quan khi thử dị ứng
Khi bắt đầu cho con ăn dặm, bố mẹ luôn có những lo lắng khi chọn lựa thực phẩm cho con. Nhưng ít để ý hơn đến nguy cơ trẻ dị ứng với thực phẩm. Đặc biệt với những bé ăn theo phương pháp truyền thống, khi nhiều loại thực phẩm được xay nhuyễn lẫn với cháo sẽ rất khó nhận biết nguyên nhân do loại thực phẩm nào khi bé bị dị ứng.
Mặc dù tỷ lệ dị ứng không cao nhưng nếu không biết cách xử lý sẽ khiến bé khó chịu và có thể dẫn đến hệ lụy khó lường. Nếu dị ứng nặng có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp khiến bé khó thở và nguy hiểm tính mạng.
Bố mẹ nên lưu ý thực hiện 3 nguyên tắc thử dị ứng thức ăn khi giới thiệu món mới cho bé:
- Nguyên tắc 1: Chỉ giới thiệu 1 món duy nhất trong 3-4 ngày liên tiếp
- Nguyên tắc 2: Từ ít đến nhiều
- Nguyên tắc 3: Giới thiệu vào bữa sáng và bữa trưa
Nêm gia vị quá sớm
Trẻ mới tập ăn dặm hoàn toàn chưa thể phân biệt được mặn nhạt chua cay là gì. Do đó, khẩu vị của bé lúc này sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào khẩu vị của người lớn. Nhiều bậc phụ huynh suy nghĩ nên cho thêm gia vị để con ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, đây là việc làm rất sai lầm của ba mẹ và có thể gây nguy hiểm cho bé.
Thời điểm mới ăn dặm là lúc các cơ quan trong cơ thể bé chưa hoàn thiện. Trong đó, thận cũng là một bộ phận chưa phát triển đầy đủ cả về cấu tạo và chức năng. Nếu thêm gia vị như muối vào, thận sẽ phải làm việc quá tải dẫn đến khả năng tổn thương rất cao. Đó được coi là ví dụ điển hình của việc nêm gia vị cho trẻ ăn dặm từ sớm. Do có nhiều nguy cơ nên các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ không nêm gia vị cho trẻ khi mới tập ăn.
Các mẹ phải luôn nhớ rằng, khẩu vị của bé luôn nhạt hơn người lớn. Số lượng gai vị giác khác nhau giữa trẻ em (dưới 3 tuổi) và người lớn. Ví dụ, các bé có khoảng 10.000 gai vị giác, nhưng người lớn thì chỉ có khoảng 5.000. Báo cáo năm 2005 của trung tâm Monell Chemical Senses, Mỹ cho thấy: Khi mẹ nêm gia vị cho trẻ dưới 1 tuổi, bột/cháo của trẻ thấy vừa miệng mẹ có nghĩa là bột/cháo đó đã rất mặn so với các bé rồi. Do đó, việc dùng lưỡi của cha mẹ thử vị cho thức ăn của bé là không chính xác.
Coi trọng dinh dưỡng hơn kỷ luật
Dinh dưỡng là cần thiết với trẻ, tuy nhiên trong độ tuổi ăn dặm nếu mẹ chú trọng việc bé ăn được nhiều hơn là thiết lập các nguyên tắc trên bàn ăn cho bé là hoàn toàn sai lầm.
Dưới 1 tuổi, thức ăn chính của bé vẫn là sữa, do đó ăn dặm chỉ là giai đoạn giúp bé làm quen, tập ăn thức ăn thô để chuẩn bị cho giai đoạn sau 1 tuổi. Do đó, trong thời gian bé mới tập ăn dặm mẹ nên nhất quán các nguyên tắc như là: chỉ ăn khi bé ngồi ngay ngắn ở bàn, không chơi đồ chơi, xem các thiết bị điện tử, không ép bé ăn, không bế bé ăn rong…
Thực hiện các nguyên tắc này không những tạo cho bé có một thói quen ăn uống lành mạnh, giảm tình trạng biếng ăn ở trẻ mà còn tốt cho sức khỏe của bé khi mà bé tập trung vào bữa ăn và đảm bảo vệ sinh hơn.
Việc phân tán tập trung của bé để bé ăn thụ động tưởng là tốt vì bé ăn được nhiều hơn. Trên thực tế bé không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng từ thức ăn nạp vào thụ động, ngược lại còn có thể gây ra chứng khó tiêu hoặc rối loạn tiêu hóa cho bé. Bên cạnh đó, việc ăn uống thụ động khiến bé không cảm nhận được vị ngon của thức ăn, dần dần chán ăn và gây ra tình trạng biếng ăn.
Cho bé ăn dặm là một hành trình dài đòi hỏi nhiều sự nỗ lực, cố gắng và kiên trì từ phía cha mẹ. Hi vọng qua bài viết về sai lầm thường gặp khi cho bé ăn dặm sẽ cung cấp những thông tin cần thiết giúp cha mẹ biết và chủ động tránh, giúp con tạo lập thói quen tốt khi ăn uống.