Vì sao em bé sơ sinh ngủ không sâu giấc và hay giật mình?

Em bé mới sinh, đặc biệt trong 3 tháng đầu thường có biểu hiện ngủ không sâu giấc hay giật mình. Điều này thường khiến cho các bậc phụ huynh lo lắng và thắc mắc không biết vì sao con mình hay giật mình hay vặn vẹo người khi ngủ và liệu rằng có ảnh hưởng gì xấu cho bé không, làm như thế nào để khắc phục tình trạng này? Cùng arau.baby tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Hiểu lầm khi bé hay giật mình và ngủ không sâu giấc

Trong thời gian làm mẹ nhất là mẹ có con đầu sẽ vô cùng bỡ ngỡ và lo lắng với tình trạng bé ngủ không sâu giấc hay giật mình. Nỗi lo của mẹ hay gắn liền với truyền thuyết bé bị thiếu canxi, vì thiếu canxi, còi xương nên mới trằn trọc khó ngủ như vây.

Thực tế, khi một em bé được bú sữa mẹ hoặc sữa công thức đầy đủ, tăng cân ổn định và được bổ sung vitamin D mỗi ngày thì bố mẹ không cần quá lo đến việc bé bị thiếu canxi. Bởi vì, trong sữa mẹ và sữa công thức có thành phần canxi rất đầy đủ để cung cấp cho bé. Bố mẹ chỉ cần bổ sung thêm vitamin D để giúp bé hấp thụ được canxi trong sữa thì có thể hoàn toàn yên tâm rằng biểu hiện hay giật mình, ngủ không sâu giấc không liên quan gì đến việc thiếu vi chất.

Vì sao em bé sơ sinh ngủ không sâu giấc và hay giật mình?

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiến em bé sơ sinh ngủ không sâu giấc và dễ bị giật mình.

  • Do quá trình thích nghi của em bé

Khi bé chưa sinh ra, bé ở trong bụng mẹ là một môi trường ấm áp, yên tĩnh. Rồi bỗng nhiên một ngày bé chào đời, môi trường bên ngoài tràn ngập ánh sáng, âm thanh. Với rất nhiều kích thích như vậy nên bé phải tập làm quen, thích nghi với môi trường. Giai đoạn mới chào đời này, bé sẽ thường xuyên bị căng thẳng thần kinh nên hay khóc, giật mình và việc khóc sẽ làm bé giải tỏa cảm xúc, khóc xong bé sẽ thấy dễ chịu hơn.

  • Do đặc điểm sinh lý giấc ngủ của bé

Giấc ngủ của em bé sơ sinh khác với người lớn, đặc biệt là trước 6 tháng tuổi. Thông thường một giấc ngủ gồm nhiều chu kỳ ngủ. Mỗi chu kỳ ngủ của bé giao động từ 30 - 45 phút. Một chu kỳ ngủ chia làm 2 pha: pha ngủ sâu và pha ngủ động.

Trong pha ngủ động, bé sẽ hay vặn vẹo, cử động người hoặc hay giật mình bởi âm thanh, tiếng động. Giai đoạn dưới 6 tháng tuổi, pha ngủ sâu có thời gian rất ngắn, chỉ khoảng ¼ chu kỳ hoặc dài hơn một chút, còn lại là thời gian ngủ động. Do đó, bố mẹ sẽ thấy bé thường xuyên giật mình, ngủ không sâu.

Pha ngủ động giúp em bé nhận biết những thay đổi ngoài môi trường như khi bé nóng quá, lạnh quá, bé bị đói hay bị ướt tã… sau đó bé sẽ khóc, khi đó bố mẹ dễ dàng phát hiện ra để hỗ trợ bé.

Giống như người lớn, trong pha ngủ động có những giấc mơ thì bé cũng vậy, bé sẽ hoạt động tay chân nhiều hơn, dễ tỉnh hơn trong pha ngủ động này. Đây là đặc điểm sinh lý hoàn toàn bình thường, phù hợp với sự phát triển tự nhiên và tốt cho não bộ của bé. Bố mẹ không cần quá lo lắng.

Sai lầm khiến tình trạng ngủ không sâu giấc của bé trở nên trầm trọng hơn

Nhiều bố mẹ thấy bé hay giật mình trong giai đoạn 3 tháng đầu đời cảm thấy lo lắng và xót con, lo sợ con không ngủ yên sẽ chậm lớn nên thường hay ôm bé ngủ, cho bé nằm võng và đung đưa để bé ngủ yên, không giật mình. Bố mẹ cũng sẽ gặp tình trạng cứ bế thì bé ngủ, nhưng vừa đặt xuống giường là bé lại tỉnh dậy ngay lập tức.

Bố mẹ ơi, bố mẹ đang mắc sai lầm rồi đấy ạ! Nếu làm như vậy bố mẹ cũng không thể giúp bé ngủ tốt hơn, ngược lại sẽ làm chậm quá trình thích nghi của bé với môi trường xung quanh. Bé sẽ khó thích nghi khiến cho tình trạng giật mình, sự khó khăn khi đi vào giấc ngủ của bé sẽ kéo dài lâu hơn. Minh chứng là sau một thời gian mắc phải sai lầm này, bố mẹ sẽ thấy bé chỉ ngủ khi được bế trên tay, nhưng vừa đặt xuống giường là bé lại tỉnh dậy ngay lập tức.

Cách khắc phục tình trạng ngủ không sâu giấc, hay giật mình

Em bé cần được ngủ một mình (không phụ thuộc vào việc ôm bế của người chăm sóc), tập tự đưa mình vào giấc ngủ và không thích hợp với việc bế dỗ ru ngủ quá lâu.

Để tập luyện cho bé thời gian này thì mẹ nên thử làm theo cách sau. Thay vì bình thường mẹ bế em bé khoảng 10-15p em bé mới ngủ sâu, thì sau khoảng 8 phút mẹ nên đặt bé xuống giường lúc bé đang lơ mơ và vỗ để em bé tự ngủ lại. Tận dụng pha ngủ đầu tiên thường là pha ngủ sâu để đặt bé xuống giường, như vậy bé sẽ giúp bé vào giấc ngủ tốt và sâu hơn.

Tựu trung, tình trạng ngủ không sâu giấc, hay giật mình của bé thường xảy ra nhiều vào tháng thứ 2 sau đó hết dần, bố mẹ không cần quá lo lắng về tình trạng này. Bố mẹ tuyệt đối không nên bế bé ở giai đoạn này hoặc cho nằm võng đung đưa để tránh các giai đoạn sau bé sẽ dễ hình thành thói quen ngủ không sâu giấc, phải bế mới ngủ khiến giấc ngủ không chất lượng.

Cùng arau.baby hiểu con hơn để cùng con khôn lớn nhé!

← Bài trước Bài sau →