Đặc điểm giấc ngủ của trẻ sơ sinh

Giấc ngủ rất quan trọng, đặc biệt là đối với những em bé sơ sinh. Chính vì vậy, bố mẹ cần hiểu rõ các đặc điểm cơ bản về giấc ngủ của trẻ sơ sinh để có thể chăm sóc bé dễ dàng và khoa học hơn.

Tầm quan trọng của giấc ngủ đối với sự phát triển của bé

Đối với những em bé sơ sinh việc ngủ đủ giấc còn quan trọng hơn việc ăn uống. Vậy, giấc ngủ quan trọng như thế nào đối với các bé đặc biệt là những em bé sơ sinh?

  • Ngủ đủ giấc giúp bé tăng sự tập trung khi thức, bé tỉnh táo hơn sẽ tương tác xã hội tốt hơn, thích hoạt động và linh hoạt hơn.
  • Bé được ngủ đủ giấc sẽ có tinh thần phấn chấn, hoạt động nhiều hơn giúp phát triển thể chất tối đa và tăng đáng kể về chiều cao so với những bé bị thiếu ngủ.
  • Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng thiếu ngủ liên quan chặt chẽ đến bệnh lý béo phì, mất tập trung, mệt mỏi, rối loạn hành vi khiến bé dễ cáu gắt hoặc trở nên quá hiếu động.

Chính vì vậy, các bé đặc biệt là những em bé sơ sinh cần được đủ giấc và bố mẹ (hoặc người chăm sóc bé) chính là người cần phải hiểu về đặc điểm giấc ngủ của bé, từ đó có thể hỗ trợ bé có được ngủ những giấc ngủ ngon và đủ.

Đặc điểm về giấc ngủ của em bé sơ sinh

Trong vài ngày đầu, em bé sơ sinh ngủ trung bình khoảng 16-18 tiếng/ngày và ngủ từng giấc ngắn từ 2-4 tiếng. Càng lớn thời gian ngủ mỗi ngày của bé càng giảm dần. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng có thời gian ngủ trong ngày giống nhau. Điều quan trọng mẹ cần theo dõi biểu hiện để điều chỉnh giấc ngủ phù hợp cũng như thăm khám bác sĩ kịp thời cho bé.

Giấc ngủ của người lớn hay của bé sơ sinh được chia thành nhiều chu kỳ lặp đi lặp lại, mỗi chu kỳ gồm pha ngủ sâu và pha ngủ động đan xen nhau. Tuy nhiên, giấc ngủ của em bé sơ sinh khác với giấc ngủ của bé lớn và người lớn đó là một chu kỳ ngủ của bé sơ sinh vào khoảng từ 45-50 phút, ngắn hơn so với chu kỳ 90-100 phút của người lớn. Theo Viện Hàn Lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), một chu kỳ ngủ của bé sơ sinh có 5 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Buồn ngủ - Ngủ gà ngủ gật.
  • Giai đoạn 2: Ngủ thật sự –  Pha ngủ động: Bé giật mình, vặn mình, rên “è è”, mắt chuyển động bên dưới mi mắt đang nhắm. Nhịp thở thường không đều, ngưng thở 5-10 giây, sau đó bắt đầu đột ngột thở nhanh 50-60 lần/phút trong 10-15 giây rồi thở đều đặn lại cho đến khi chu kỳ lặp lại.
  • Giai đoạn 3: Giấc ngủ nhẹ nhàng: Bé thở đều đặn hơn và ít cử động.
  • Giai đoạn 4 và 5: Giấc ngủ sâu và rất sâu –  Pha ngủ sâu: Bé nằm yên và không cử động, ngủ ngày càng sâu và khó đánh thức.

Chu kỳ ngủ ở bé sơ sinh ngắn hơn so với người lớn nên bé dễ bị thức giấc thường xuyên hơn. Trong giai đoạn giấc ngủ hoạt động, nhịp tim và nhịp thở không đều dễ đưa bé vào nguy cơ cao bị đột tử (SIDS). Chính vì bé dễ thức tỉnh nên bảo vệ bé không bị đột tử.

Cả 2 pha ngủ đều có những lợi ích cần thiết cho sự phát triển của bé. Pha ngủ động có thể quyết định sự phát triển não bộ của bé, còn pha ngủ sâu tốt cho sức khỏe và giúp củng cố trí nhớ.

Môi trường ngủ lý tưởng cho bé sơ sinh

Để bé có một giấc ngủ ngon thì bố mẹ cần lưu ý những điều sau:

  • Không cho bé bú quá no hoặc cười đùa quá nhiều trước khi đi ngủ.
  • Thực hiện chuỗi hành động cố định trước khi đi ngủ thường xuyên để bé quen dần và biết được tiếp theo bé sẽ được đi ngủ.

Bên cạnh đó bố mẹ cần tạo một môi trường ngủ lý tưởng cho em bé sơ sinh để bé có giấc ngủ ngon hơn:

  • Phòng tối và yên tĩnh
  • Đặt các thiết bị điện tử xa khu vực bé ngủ.
  • Nhiệt độ phòng từ 24-26 độ

Ngoài ra, ban ngày bố mẹ nên cho bé hít thở không khí trong lành từ thiên nhiên, vận động phù hợp với lứa tuổi, đảm bảo bé ngủ đủ các giấc ngày nếu có và ăn đủ no để buổi tối bé ngủ ngon hơn.

Hy vọng sau bài viết này bố mẹ đã hiểu rõ về đặc điểm giấc ngủ của em bé sơ sinh để có những chăm sóc phù hợp giúp bé ngủ ngon và phát triển khỏe mạnh.

← Bài trước Bài sau →