Thóp của trẻ sơ sinh và những điều mẹ cần biết

Mỗi bé khi mới sinh ra đều có thóp trước và thóp sau. Việc hiểu rõ về thóp của em bé sơ sinh giúp bố mẹ dễ dàng chăm sóc và bảo vệ bé, tránh những tổn thương không mong muốn cho bé. Hãy cùng arau.baby tìm hiểu về thóp của trẻ sơ sinh và những điều mẹ cần biết trong bài viết này nhé!

Đặc điểm cơ bản về thóp trẻ sơ sinh

Thóp là nơi xương đỉnh đầu chưa khép hết. Thực tế trên đầu trẻ mới sinh có 6 thóp. Nhưng chúng ta chỉ quan tâm nhiều nhất vào thóp trước và thóp sau, đặc biệt là thóp trước vì thóp này to nhất và dễ nhận biết nhất.

Thóp trước là khoảng trống hình thoi giữa xương đỉnh đầu và xương trán, thóp sau là khoảng trống hình tam giác giữa xương đỉnh đầu và xương chẩm.

Kích thước trung bình thóp trước của bé là 2,1cm. Tuy nhiên, kích thước của thóp trước giữa các bé sẽ khác nhau giao động trong khoảng 0,6cm - 3,6cm. Vì thế khi mẹ thấy thóp của bé nhỏ hoặc to hơn bé khác hay mẹ sinh nhiều bé và các bé có kích thước thóp khác nhau thì đây là điều hoàn toàn bình thường, mẹ không cần lo lắng.

Thóp sau có kích thước rất nhỏ chỉ bằng đầu móng tay, thường khi mới sinh đã gần khép lại, thường sau 4 tháng đã khép kín.

Tác dụng của thóp

Thóp có cấu trúc là các màng sợi gắn kết các mảnh xương sọ với nhau. Nhờ đặc điểm hộp sọ còn mềm, các khớp xương ở mảnh xương sọ chưa gắn chắc với nhau, tạo khoảng trống là thóp giúp bé an toàn hơn trong các trường hợp sau:

  • Khi mẹ chuyển dạ sinh em bé, em bé đi qua khung xương chậu, âm đạo thì xương sọ có thể điều chỉnh. Mẹ sẽ thấy đầu em bé dài ra khi mới sinh sau đó 1 thời gian ngắn đầu bé ngắn và tròn lại.
  • Khi não của bé phát triển trong những năm đầu kích thước lớn dần thì hộp sọ cũng phát triển lớn dần theo.
  • Thóp đóng vai trò như một khoảng trống đàn hồi, bảo vệ não bộ của bé trước áp suất bên ngoài môi trường.

Những lưu ý về thóp trẻ sơ sinh mà mẹ cần biết

Một số những thắc mắc liên quan đến thóp mà các bà mẹ đặc biệt quan tâm:

  • Có phải che thóp không, không che thóp có lạnh hay ảnh hưởng đến não không?

Khi bé mới sinh ra, trong tuần đầu tiên mẹ nên đội mũ, mặc quần áo ấm hơn cho bé do cơ chế điều nhiệt cơ thể của bé chưa được tốt, dễ lạnh. Tuy nhiên, sau thời gian 1 tuần tuổi, việc che thóp, đội mũ để giữ ấm không còn tác dụng.

Thực tế não của bé được bảo vệ, giữ ấm, được cân bằng nhiệt bởi dịch não tủy, hoàn toàn không nhờ mũ mà bố mẹ đội cho bé. Dịch não tủy có tác dụng điều hòa cân bằng nhiệt, bảo vệ não, là đệm tránh xung động ảnh hưởng đến não bộ khi hộp sọ bị va chạm. Chỉ khi va đập quá mạnh mới ảnh hưởng đến não.

Vào mùa hè, khi bé được 1 tuần tuổi, bố mẹ có thể yên tâm mặc đồ thoáng mát cho bé để tránh bé bị nóng quá. Vào mùa lạnh, ở trong nhà bé cũng không cần thiết phải đội mũ hay che thóp. Khi ra ngoài trời, nếu bố mẹ cần đội mũ thì bé mới cần đội mũ.

  • Thóp lõm xuống có phải thiếu nước không? Thóp lồi lên có vấn đề gì về bệnh lý không?

Thực tế, khi bé bị tiêu chảy, mất nước nhiều thì thóp bé sẽ xẹp xuống hoặc có một số bệnh lý gây phồng thóp. Tuy nhiên, nếu mắc phải các bệnh lý này sẽ kèm theo nhiều triệu chứng khác như sốt, lờ đờ… Việc thóp phồng hay xẹp chỉ là một dấu hiệu tham khảo chứ không dựa hoàn toàn vào riêng triệu chứng này để kết luận, do đó bố mẹ tuyệt đối không nên phỏng đoán và tự ý “chữa” cho bé.

Khi bé vẫn chơi nhanh nhẹn, ăn ngủ bình thường và có kèm theo triệu chứng thóp xẹp hoặc phồng thì bố mẹ có thể không cần lo lắng về tình trạng thiếu nước hay bệnh lý gì. Không tự ý bổ sung nhiều nước cho trẻ, đặc biệt trẻ dưới 6 tháng có thể gây ra tình trạng ngộ độc nước.

  • Khi nào thóp đóng? Thóp đóng sớm hay đóng muộn có ảnh hưởng gì không?

Thời điểm đóng thóp sẽ giao động rất nhiều và không có mức cố định. Tính mức trung bình có nhiều trẻ đóng thóp vào thời điểm 14 tháng tuổi. Tuy nhiên, cũng có một số rất ít trẻ 3 tháng đã đóng thóp. Hầu hết, trên 96% các trẻ sẽ đóng thóp trước 2 tuổi.

Trong khoảng thời gian từ 3 tháng - 2 tuổi thì bé đóng thóp lúc nào cũng được và đóng thóp trong khoảng thời gian này không kèm theo triệu chứng khác thì không phản ánh tình trạng bệnh lý nguy hiểm, không thể hiện não không phát triển hay thiếu canxi.

Quan trọng, mỗi lần cho bé đi khám định kỳ, bố mẹ cần đo chỉ số vòng đầu xem sự phát triển của não. Nếu qua nhiều tháng kích thước vòng đầu không to ra kết hợp đóng thóp sớm hoặc muộn, hoặc chỉ số vòng đầu tăng quá to, tăng lên nhiều thì lúc này mới có thể gợi ý đến vấn đề bệnh lý. Nếu khi đi khám định kỳ bạn thấy chỉ số vòng đầu của bé bình thường, tăng trong quy định thì không lo lắng. Nếu sau khi bé trong 2 tuổi, thóp của bé chưa đóng thì lúc này bố mẹ mới cần cho bé đi khám.

Như vậy trước 2 tuổi, ngoài việc tránh để bị va chạm lực với vùng thóp của bé, bố mẹ không cần quá lo lắng. Thay vào đó bố mẹ hãy kỹ lưỡng trong việc lựa chọn những sản phẩm an toàn dùng cho bé để bé khỏe mạnh, ăn ngon, ngủ tốt thì bố mẹ có thể hoàn toàn yên tâm.

← Bài trước Bài sau →