Đặc điểm quan trọng về trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi mẹ nhất định phải biết
Khi em bé được 2 tháng tuổi, mẹ đã quen với việc có mặt của em bé, quen với việc chăm sóc em bé hàng ngày. Tuy nhiên, 2 tháng là thời điểm em bé lại bắt đầu có những thay đổi, có những điều mới cần bố mẹ chú ý nhiều hơn. Cùng arau.baby tìm hiểu những lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi nhé!
Giấc ngủ
Khi bé được 2 tháng tuổi, bé sẽ ngủ ít hơn so với tháng đầu tiên. Trung bình một ngày bé ngủ từ 14 đến 16 giờ. Giấc ngủ của bé có xu hướng dài hơn vào ban đêm, bé có thể ngủ từ 4 đến 5 giờ liên tục mới thức dậy để ăn. Bố mẹ cần hiểu rõ về giấc ngủ của bé để có cách chăm sóc phù hợp giúp bé ngủ ngon và sâu hơn mà không bị giật mình.
Giấc ngủ của bé có 2 pha ngủ: pha ngủ sâu và pha ngủ động. 2 pha này có thời gian dài như nhau, khoảng 10 đến 15 phút/pha tạo thành 1 chu kỳ ngủ. Trong 1 giấc ngủ có nhiều chu kỳ ngủ, đó là lý do bố mẹ thấy bé ngủ một lúc lại ọ ẹ, trở mình rồi lại ngủ tiếp. Có những bé khóc và thức dậy ở pha ngủ động nhưng có những bé có thể tự ngủ lại.
Điều bố mẹ cần chú ý là khi thấy bé tỉnh thì không nên bế bé lên ngay mà hãy để bé tự mình xoay sở, tự mình trấn an bản thân quay trở lại giấc ngủ, hoặc bố mẹ chỉ cần vỗ nhẹ để hỗ trợ bé ngủ lại. Điều này là để bé quen với việc tự ngủ tránh ngủ vặt làm chất lượng giấc ngủ giảm không tốt cho sức khỏe của bé. Đồng thời việc đáp ứng ngay những nhu cầu của bé khiến bé trở nên phụ thuộc.
Bố mẹ nên tập cho bé phân biệt ngày và đêm bằng cách sau. Ban ngày không cần quá yên tĩnh, có âm thanh ánh sáng một chút để bé quen dần với âm thanh tiếng động và không bị giật mình. Ban đêm bố mẹ cần giữ yên tĩnh và phòng tối hơn để bé dễ ngủ hơn và giấc ngủ dài hơn. Đó là cách để bố mẹ tập dần cho bé, giúp bé không bị đảo lộn giấc ngủ ngày và đêm.
Ăn uống
Bé 2 tháng tuổi, mỗi cữ sẽ bú khoảng 90-120ml sữa. Thời điểm này, bố mẹ cần kéo dài khoảng cách giữa các cữ bú xa hơn so với thời điểm 1 tháng đầu tiên, lý tưởng là khoảng 3h/ cữ. Giãn thời gian giữa các cữ giúp bé bú được nhiều hơn mỗi lần, tốt cho tiêu hóa của con hơn, tránh được hiện tượng bú vặt.
Công thức tính lượng sữa cho bé là khoảng từ 120 ml sữa/kg cân nặng/ngày. Nếu bé đã bú đủ sữa vào ban ngày thì đêm bé không thức dậy đòi bú nữa. Bé có thể ngủ từ 5 đến 6h liên tục vào ban đêm mà bố mẹ không cần thức con dậy ăn.
Nhận thức của bé
Thời điểm khi bé được 2 tháng tuổi là lúc con nhận biết xung quanh tốt hơn, tầm nhìn tốt hơn và nghe tốt hơn. Lúc này, bé cũng đã có thể nhận biết được mẹ. Bố mẹ nên tăng cường các hoạt động kích thích phát triển trí não cho bé hơn như: sử dụng những đồ chơi có màu sắc, âm thanh như giá chữ A để kích thích bé nhìn, nghe. Bố mẹ cũng nên tích cực nói chuyện trực tiếp với em bé như kể chuyện, đọc sách, hát cho bé nghe.
Nhiều bố mẹ nghĩ rằng bé chưa thể hiểu gì và ít nói chuyện với bé là hoàn toàn sai lầm. Não của bé học hỏi bằng cách sao chép, bắt chước do đó thời gian này là lúc bé đang đưa thông tin vào để học. Sau này lớn hơn bé có thể nói sớm hơn, nhận thức tốt hơn so với em bé ít được bố mẹ nói chuyện trực tiếp. m thanh trực tiếp tốt hơn nhiều so với âm thanh qua đài, qua đồ chơi để kích thích phát triển trí não cho bé.
Các vấn đề thường gặp khác
Ngoài các vấn đề chính như ăn, ngủ hay nhận thức thì bé 2 tháng tuổi còn thường gặp những vấn đề sau:
- Bé hay vặn người, rướn người khiến trớ sữa
Nguyên nhân là do lúc này cơ thể của bé đã linh hoạt hơn, hoạt động tốt hơn, các bộ phận của bé như cổ, tay chân đã cứng hơn. Đây là chu trình bình thường trong quá trình phát triển bình thường của bé nên bố mẹ có thể hoàn toàn yên tâm. Đặc biệt, tình trạng này không liên quan đến việc thiếu canxi hay thiếu chất. Kể cả khi bố mẹ có bổ sung đầy đủ vitamin D hay thiếu thì bé vẫn gặp tình trạng này.
- Rôm sảy ở da
Tình trạng này có thể bắt đầu từ tuần thứ 4, thời điểm tháng thứ 2 là xuất hiện rõ nhất và kết thúc sau vài tuần. Nguyên nhân là do các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể bé lúc này diễn ra mạnh, nhiệt thải ra nhiều hơn nên em bé dễ nóng bức hơn. Nếu bố mẹ không có biện pháp làm mát phòng, mặc quá nhiều đồ khiến bé toát mồ hôi thì bé rất dễ bị nổi rôm sảy.
Biện pháp khắc phục là bố mẹ chú ý làm mát phòng, tắm và vệ sinh tốt cho bé. Không nhất thiết dùng các loại lá tắm để tắm cho bé mà nên tắm với các loại sữa tắm uy tín, có độ pH phù hợp với da bé.
Nếu bé có tình trạng chàm sữa thì cũng sẽ bắt đầu xuất hiện vào giai đoạn này. Bố mẹ cần giữ vệ sinh tốt, không nên tắm nước ấm quá, tắm xong bôi kem dưỡng ẩm cho con. Những em bé tắm nước lá sẽ gây khô da có thể sẽ khiến dễ khởi phát bệnh chàm sữa. Không bôi phấn rôm làm bít tắc lỗ chân lông làm nặng và kéo dài hơn tình trạng rôm sảy hay chàm sữa. Nếu vệ sinh đúng cách và giữ mát cho bé thì tình trạng này lành tính và sẽ hết trong 1-2 tuần.
- Nôn trớ sinh lý/trào ngược dạ dày thực quản sinh lý
Thời điểm này cũng là lúc bố mẹ thấy con hay ói, ọc sữa hơn hoặc hơi vặn vẹo người là trớ, hoặc ngủ 1 giấc rồi dậy vẫn có thể trớ. Nguyên nhân do đặc điểm cấu tạo dạ dày của bé có các cơ thắt còn yếu và nằm ngang, cao hơn so với người lớn, đồng thời, đồ ăn của bé là sữa là chất lỏng. Do đó khi dạ dày co bóp, hoặc ăn no quá, sữa sẽ bị đẩy lên vùng cổ gây nôn trớ. Ngoài ra, trong 1 tháng đầu tiên, các hoạt động bú của bé chưa thuần thục nên bé chưa ăn được nhiều sữa. Sang tháng thứ 2 bú tốt hơn, bé ăn nhiều hơn do đó dễ gặp tình trạng ăn no quá rồi trớ sữa.
Bé thường bị nôn trớ khi ăn no quá, khi thay đổi tư thế đột ngột hoặc sau khi cười đùa. Mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau để khắc phục: không cho ăn quá no, vỗ ợ hơi sau khi ăn, không bế thay đổi đột ngột tư thế.
Tình trạng này sẽ hết sau khi bé lớn hơn do đó bố mẹ không cần quá lo ngại. Tuy nhiên, một số trường hợp trớ liên tục kể cả khi không ăn no, hoặc ngủ dậy rồi vẫn trớ thì bố mẹ cần đưa bé đi khám để xác định nguyên nhân có liên quan đến các bệnh lý khác cần can thiệp hay không.
- Táo bón chức năng do giãn ruột sinh lý, táo bón sinh lý
Ở giai đoạn 2 tháng tuổi, nhiều bố mẹ sẽ thấy em bé của mình đang đi vệ sinh thường xuyên nhiều lần 1 ngày chuyển sang nhiều ngày mới đi 1 lần. Trong quá trình này không hề có sự thay đổi bất thường gì: bé vẫn ăn ngủ bình thường, bú sữa mẹ hoặc sữa công thức bình thường, đồng thời thấy bé hay xì hơi nhiều, hay vặn vẹo đỏ mặt. Tầm 7 - 10 ngày bé mới đi phân nhiều, vàng thì đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Đa phần tình trạng này sẽ gặp khi bé được 2 tháng tuổi, tuy nhiên có bé sẽ gặp sớm hơn hoặc có bé bị muộn hơn. Bố mẹ không cần cho bé uống thuốc gì mà chỉ cần can thiệp cơ học như mát-xa bụng, tập động tác đi xe đạp… để bé dễ đi vệ sinh hơn.
Trong quá trình chăm sóc em bé còn nhiều những vấn đề xung quanh khác, tuy nhiên arau.baby đưa ra những vấn đề cơ bản mà em bé 2 tháng tuổi thường gặp phải để bố mẹ có thể có cách chăm sóc bé phù hợp. Bố mẹ đừng quên luôn có các sản phẩm vệ sinh và chăm sóc bé của arau.baby luôn đồng hành trong quá trình này nhé!