Cách tăng đề kháng cho bé hay ốm vặt

Câu chuyện về sức đề kháng hay hệ miễn dịch luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh, với câu hỏi thường trực thường là làm thế nào để tăng cường sức đề kháng, tăng cường khả năng miễn dịch cho con. Ba mẹ hãy cùng arau.baby tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Đề kháng hay hệ miễn dịch là gì?

Chúng ta có thể hiểu khái niệm đề kháng hay hệ miễn dịch của cơ thể theo cách đơn giản như sau: 
Hệ miễn dịch là sự kết hợp của toàn bộ các cơ quan, các tế bào, các bộ phận trong cơ thể, nó có sự ràng buộc, nó có sự liên quan, móc nối với nhau và hoạt động phụ thuộc lẫn nhau để tạo ra mạng lưới, tạo ra sức chống chọi với các tác nhân bên ngoài môi trường cụ thể là các vi sinh vật, vi khuẩn hay virus gây bệnh. 

Toàn bộ các cơ quan trong cơ thể đều tham gia vào quá trình này chúng ta gọi là hệ miễn dịch của cơ thể. Khả năng chống lại bệnh tật gọi là sức đề kháng hoặc khả năng miễn dịch.

Hệ miễn dịch là hệ thống khổng lồ các cơ quan trong cơ thể, do đó chắc chắn quá trình xây dựng sẽ mất nhiều thời gian và cần nhiều các chất dinh dưỡng cần thiết. Bố mẹ sẽ không thể bổ sung một loại thuốc gì đó trong một thời gian ngắn hay một loại thực phẩm nào đó được cho rằng có khả năng tăng cường sức đề kháng với mong muốn bé sẽ tăng cường sức đề kháng hay khả năng miễn dịch.

Những em bé như thế nào sẽ có sức đề kháng yếu hơn các em bé khác và hay ốm hơn?

Với những em bé thiếu vitamin D, những em bé thiếu máu, thiếu sắt bẩm sinh hoặc thiếu máu dinh dưỡng sẽ hay ốm vặt hơn do hệ miễn dịch không khỏe mạnh bằng các em bé khác. 

Bố mẹ nên có kế hoạch bổ sung vitamin D cho bé từ sơ sinh cho dù bé uống sữa công thức hay bú sữa mẹ hoàn toàn. Nên bổ sung chủ động bằng thuốc và không tắm nắng cho bé dưới 6 tháng tuổi với mục đích hấp thu vitamin D.

Việc bổ sung sắt, bố mẹ nên tìm hiểu xem bé có bị thiếu sắt không, nguyên nhân do di truyền hay do bổ sung dinh dưỡng chưa hợp lý để có phác đồ điều trị cũng như kế hoạch bổ sung sắt phù hợp.

Cách tăng đề kháng cho bé

Như đã nói ở trên, muốn bé có một hệ miễn dịch khỏe mạnh bố mẹ cần giúp bé xây dựng dài hạn và kết hợp nhiều yếu tố. Hệ miễn dịch sẽ không được xây dựng lên trong một sớm một chiều hay nhờ vào một loại thực phẩm nào đó được cho rằng có khả năng tăng cường sức đề kháng. 

Để tăng cường sức đề kháng cho bé, bố mẹ cần chú ý thực hiện các điều sau:

  • Tiêm phòng đầy đủ cho bé. 

Đây là bước chủ động tạo miễn dịch cho bé. Tiêm phòng là tập dượt cho hệ miễn dịch của cơ thể, đưa mầm bệnh đã được làm suy yếu đi rất nhiều lần vào trong cơ thể để khởi phát hệ miễn dịch. 

Hệ miễn dịch của cơ thể sẽ cần thời gian để nhận biết và tạo ra các kháng thể tương ứng sắp xếp vào bộ nhớ. Khi thực sự gặp phải mầm bệnh đó thì cơ thể không cần phải qua các bước nhận diện kháng nguyên gây gây bệnh rồi mới sản xuất ra kháng thể mà thay vào đó cơ thể sẽ sản xuất ồ ạt các kháng thể chính xác đẩy lùi mầm bệnh. Điều này khiến mầm bệnh không xâm nhập sâu vào trong cơ thể của em bé và không gây bệnh hoặc có gây bệnh thì triệu chứng cũng rất nhẹ. Nên việc tiêm phòng là rất cần thiết, đặc biệt là với những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của em bé.

  • Cân bằng dinh dưỡng, ngủ nghỉ hợp lý

Cân bằng dinh dưỡng không phải là bố mẹ chỉ chú trọng cho bé ăn những thức ăn được cho là bổ mà cần ăn đủ chất, đủ rau xanh, hoa quả, đủ thịt cá…và có chế độ ăn uống ngủ nghỉ hợp lý.

  • Sử dụng thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ trong việc hạn chế lạm dụng kháng sinh. 

Bố mẹ không nên lạm dụng kháng sinh bừa bãi, tuy nhiên, không lạm dụng không có nghĩa là không được sử dụng. Bố mẹ nên có trao đổi với bác sĩ về những trường hợp cần phải dùng kháng sinh và dùng như thế nào. Hãy để hệ miễn dịch của bé có cơ hội được tập dượt với những mầm bệnh nhẹ. 

  • Giữ vệ sinh

Giữ vệ sinh cho bé là vệ sinh cơ thể bé, môi trường xung quanh bé. Đây là việc làm quan trọng giúp bé giảm ốm vặt.

Dẫn chứng điển hình như trong 2 năm dịch covid-19 hoành hành, bố mẹ rất sợ con phải căn bệnh truyền nhiễm này nhưng song hành với nó là ba mẹ thấy con ít bị cảm ho sổ mũi hơn, ít mắc phải các bệnh vặt hơn. Đó là kết quả của việc chú trọng giữ vệ sinh cho cả nhà, cho bé như rửa tay với xà phòng thường xuyên hơn, vệ sinh nhà cửa, đồ dùng đồ chơi của em bé, bố mẹ sẽ thấy con giảm thiểu hẳn tình trạng ốm vặt đi.

Tựu chung lại, hệ miễn dịch là sự phối hợp của tất cả các cơ quan trong cơ thể giúp bé chống lại các tác nhân bên ngoài môi trường như vi khuẩn, virut… Bố mẹ không thể xây dựng hệ miễn dịch cho bé nhanh chóng trong một thời gian ngắn mà cần cả một quá trình lâu dài. Để có được hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, bố mẹ cần chú ý có chế độ ăn đa dạng, nghỉ ngơi hợp lý kết hợp cùng việc tiêm phòng, không lạm dụng thuốc và giữ vệ sinh cho bé cũng như môi trường xung quanh bé sạch sẽ.

← Bài trước Bài sau →