Lưu ý sử dụng gia vị cho bé trong giai đoạn ăn dặm
Tròn 6 tháng tuổi, bước sang tháng thứ 7 đa số các bé sẽ bước vào giai đoạn ăn dặm. Tuy nhiên, cho đến khi bé tròn 1 tuổi cơ thể bé vẫn đang phát triển và chưa hoàn thiện do đó lịch ăn và chế độ ăn của bé không giống với người lớn. Ba mẹ cần tìm hiểu kỹ để nắm rõ những loại thực phẩm nào có thể cho bé ăn hoặc chưa được ăn, để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của bé không bị ảnh hưởng. Trong bài viết này arau.baby chia sẻ đến ba mẹ những lưu ý khi sử dụng gia vị cho bé trong giai đoạn ăn dặm.
Muối
Nếu mẹ nghĩ rằng không nêm muối món ăn sẽ trở nên nhạt nhẽo khiến bé chán ăn thì mẹ đã sai hoàn toàn. Bởi vì, gai vị giác ở trẻ nhỏ nhiều gấp 3 lần người lớn nên bé cảm nhận các vị tốt hơn so với người lớn chúng ta. Mặt khác, bé chưa từng được nếm các món ăn nào khác ngoài sữa nên không có sự so sánh. Bé vẫn sẽ hứng thú và khám phá các mùi vị của từng món ăn mà mẹ cho bé ăn. Việc nêm muối vào thức ăn của bé sớm khiến bé có xu hướng ăn mặn tăng lên gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bé.
Muối được lọc qua thận, tuy nhiên khi bé dưới 1 tuổi, thận của bé vẫn còn non nớt không thể lọc lượng muối dư thừa hiệu quả như thận của người lớn. Do đó, chế độ ăn quá nhiều muối có thể làm hỏng thận của bé.
Mặt khác việc thêm muối vào chế độ ăn của bé dưới 1 tuổi lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe và khẩu vị của bé. Bé sẽ có xu hướng ăn mặn tăng lên, thích các món chế biến sẵn có chứa muối nhưng không mang nhiều dinh dưỡng và lợi ích như các món chứa hàm lượng muối ít như rau củ quả, đồ luộc.
Cho bé dưới 1 tuổi ăn vượt lượng muối cho phép khiến bé có nguy cơ gặp các vấn đề về huyết áp. Theo nghiên cứu, ảnh hưởng của muối đến huyết áp ở bé mạnh hơn so với người lớn. Một bé ăn mặn thường có xu hướng có huyết áp tăng và nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch khi lớn lên.
Chú ý thực phẩm chế biến sẵn
Khi sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn dành cho trẻ nhỏ, ba mẹ nên xem ký thành phần muối ghi trên nhãn hàng. Với các loại rau đông lạnh, phô mai, nước sốt, khoai tây chiên, thịt nguội. .. đa phần đều bổ sung muối, nếu không nói là có hàm lượng muối cao. Tốt nhất ba mẹ không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn và nên hạn chế với trẻ trên 1 tuổi.
Các tên gọi khác của muối trong thực phẩm là: Sodium, Sodium chloride, Monosodium glutamate tMSG, brine, Sodium nitrite, Disodium EDTA…
Đường
Lượng đường mà bé dưới 1 tuổi cần mỗi ngày thực chất đã có sẵn trong các loại hoa quả, thức ăn từ tinh bột... mà bé ăn nên mẹ không cần phải cho thêm đường. Ở các bé nhỏ khi tiêu thụ quá nhiều đường hoặc không nhiều ở các bé nhạy cảm, kể cả đường từ trái cây, có thể dẫn đến các biểu hiện tiêu hóa như tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng…
Những năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển rất nhanh về thể chất, nên chế độ dinh dưỡng phù hợp là rất cần thiết trong giai đoạn này. Chính vì vậy ba mẹ cần có những hiểu biết và sự kiểm soát nhất định về những gì bé ăn để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của bé.
Một số ảnh hưởng của đường lên sức khỏe của bé
- Gây sâu răng.
- Gây những bất thường về hành vi: Mặc dù nghiên cứu chỉ ra rằng đường không gây tăng động ở trẻ, nhưng nó dường như có tác động mạnh mẽ lên hành vi của bé. Đường và carbohydrate thẩm thấu vào máu một cách nhanh chóng gây ra những thay đổi rất nhanh về nồng độ đường trong máu. Điều này có thể làm cho trẻ trở nên nghịch ngợm hơn hoặc khó ngủ, hay cáu gắt hơn.
- Gây béo phì: Trẻ em sẽ tăng cân nhanh khi nạp vào lượng calo nhiều hơn lượng calo chúng đã đốt cháy vì thực phẩm chứa đường chỉ chứa toàn năng lượng rỗng mà không có chất dinh đường. Do vậy, trẻ không béo khỏe béo đẹp mà là “béo có nguy cơ”.
- Thiếu chất, lười ăn: Khi ăn nhiều các thực phẩm và đồ uống chứa đường, bé dễ bị no bởi năng lượng rỗng do đó bé sẽ không muốn ăn và cơ thể bé không có đủ sức hấp thụ thêm các loại thức ăn bổ dưỡng và đầy đủ khoáng chất khác. Đường cũng cản trở việc hấp thu các loại Vitamin (A, C, 812), Canxi, Sắt.
- Tăng nguy cơ tiểu đường: Đường không gây ra bệnh tiểu đường, nhưng một chế độ ăn giàu đường có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 hoặc kháng insulin, một tình trạng tiền đái tháo đường.
- Tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
Mẹ lưu ý, nhu cầu muối và đường của trẻ là rất ít, mẹ nên hạn chế tối đa việc cho bé ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt khi bé dưới 1 tuổi, vì trong những sản phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều đường, muối. Trước khi cho con ăn, mẹ nên đọc kỹ thông số về hàm lượng đường, muối trên bao bì sản phẩm.