Các vấn đề thường gặp trên da bé trong năm đầu tiên (Phần 2)

Các vấn đề về da phổ biến thường xuất hiện trong những năm đầu tiên. Trải qua quá trình nuôi con ba mẹ sẽ dễ nhận thấy vấn đề này hơn. Ở phần trước, arau.baby đã cùng ba mẹ tìm hiểu về các vấn đề thường gặp trên da bé trong năm đầu tiên - các vấn đề mà đa phần bé nào cũng mắc phải. Trong phần 2 này, ba mẹ hãy cùng arau.baby tìm hiểu về các vấn đề trên da bé thường gặp trong năm đầu tiên nhưng ít phổ biến hơn các vấn đề ở phần một. Có nghĩa là, các vấn đề nhắc đến trong bài viết này có có bé gặp và có bé không gặp.

Viêm da mủ

Biểu hiện của tình trạng này là ba mẹ sẽ thấy em bé có những nốt mụn ở trên da nổi hẳn lên, mưng mủ một cách rõ ràng. Tuy nhiên nó không bị sưng rộng ở xung quanh. Chúng thường xảy ra trên vùng mặt, vùng hõm nách 2 bên và lác đác trên cơ thể.

Tình trạng này còn được gọi là nhiễm trùng da sơ sinh. Có một số bé mắc phải  tình huống này thì điều trị bằng cách sử dụng Xanh Methylen - thuốc sát khuẩn tại chỗ. Ba mẹ sẽ chấm lên vùng da bị viêm của em bé, đợi cho mụn bị vỡ lại tiếp tục chấm thuốc sát khuẩn đó. Hàng ngày, ba mẹ vẫn tắm rửa vệ sinh bình thường cho con.

Trường hợp nếu bé không sốt, không sưng nóng đỏ đau một vùng da thì chỉ cần sát khuẩn da tại chỗ cho bé. Ba mẹ lúc này cần theo dõi thêm, không bắt buộc phải uống kháng sinh ngay. Đây cũng là tình trạng về da hay gặp.Tuy nhiên với tình trạng này cần có sự thăm khám của bác sĩ, để bác sĩ xem độ nghiêm trọng ít nhiều và can thiệp cho phù hợp.

Chàm sữa

Chàm sữa là tình trạng thường dễ khởi phát nếu ba mẹ không dưỡng ẩm đầy đủ, để da bé bị khô. Tuy nhiên, không chỉ trong thời tiết khô lạnh khiến da bé khô mà các mùa khác bé vẫn bị chàm sữa.

Mùa nóng em bé cũng dễ bị chàm do bé đổ mồ hôi liên tục, làm rửa trôi lớp màng Phospholipid - lớp chất béo giúp bảo vệ và ngăn không cho hơi nước thoát qua da khiến cho da bé bị khô lý do dẫn đến chàm sữa. Đặc biệt tình trạng chàm sữa sẽ phát triển mạnh hơn vào thời tiết nóng, ẩm, không nóng hẳn hoặc đầu đông. Ba mẹ lưu ý tình trạng chàm khi nhẹ thì gọi là chàm, sau đó nếu nặng hơn có thể xảy ra hiện tượng chàm bội nhiễm rồi mọc mụn nước li ti, bị vỡ ra chảy nước dịch vàng.

Chàm bị nhiều nhất ở những em bé dưới 6 tháng, với bé từ 6 - 12 tháng sẽ giảm đi tình trạng này. Nhìn chung, chàm sẽ kết thúc muộn nhất khi em bé được 2 tuổi.

Với chàm, ba mẹ cần chăm sóc bé với nguyên tắc là dưỡng ẩm. Đây là cách hiệu quả nhất để giải quyết các vấn đề về chàm. Ba mẹ cần duy trì giữ ẩm cho da bé, tắm rửa cho bé bằng các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ, thành phần tự nhiên, có thành phần dưỡng ẩm thì càng tốt, thì tình trạng sẽ thuyên giảm. Đặc biệt cần lưu ý, trong chăm sóc da bé bị chàm sữa ba mẹ không được tắm cho bé nước quá nóng hoặc sử dụng sản phẩm không phù hợp gây khô da, tắm xong cần giữ ẩm da cho bé, mặc quần áo thoáng mát, thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm để giữ ẩm cho da của bé.

Hiện tượng chàm hoàn toàn độc lập và không liên quan gì đến các loại thức ăn. Cần nhấn mạnh điều này vì nhiều ba mẹ cho rằng bé bị chàm sữa là do ăn uống phải loại thức ăn không phù hợp. Tuy nhiên, nếu em bé dị ứng những loại thức ăn nào thì khi ăn phải thức ăn đó sẽ khiến tình trạng chàm bị nặng hơn.

Viêm kẽ

Tình trạng viêm kẽ là tình trạng bé bị viêm ở những vùng nếp gấp cổ, tay, nách, mông, dân gian hay gọi là hăm. Hiện tượng này thường xảy ra do vùng da nếp gấp bị ẩm ướt mà không được làm khô dẫn đến ẩm ướt trong thời gian dài sinh ra vi khuẩn.

Ba mẹ có thể dùng kem hăm để bôi vào các vùng da này trừ vùng cổ vì vùng nếp gấp ở cổ của em bé luôn trong trạng thái gập. Nếu bôi kem hăm vào sẽ gây nhớp dính khiến bé khó chịu đồng thời kem không có cơ hội khô càng khiến tình trạng này lâu khỏi. Với vùng cổ, ba mẹ chỉ cần sử dụng kem dưỡng ẩm thông thường, bôi một lát khoảng 5 phút rồi lau khô lại. Bản chất của việc điều trị này là giữ khô thoáng và dưỡng ẩm, không làm ướt vùng da cổ thì sẽ nhanh khỏi hơn.

Hăm mông

Hăm mông là tình trạng nổi mẩn đỏ, đau rát trên vùng da mặc bỉm của bé. Tình trạng này xảy ra do một trong hai nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ nhất do ba mẹ chọn bỉm không tốt, hoặc bỉm quá chật. Điều này khiến khi bé đi tiểu bỉm phồng lên dính vào da của em bé khiến cho da bé bị nổi mẩn dẫn đến hiện tượng bị hăm.Bên cạnh đó việc ba mẹ để bé mặc bỉm lâu quá mà không thay cũng khiến tình trạng này xảy ra hoặc nặng hơn. Trung bình 4 tiếng ba mẹ cần thay bỉm cho em bé 1 lần.

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến đường tiêu hóa. Một số em bé mắc tình trạng này không do vấn đề bỉm hay vệ sinh, mà do liên quan đến đường tiêu hóa. Khi bé bị rối loạn tiêu hóa, đi ra phân không ổn sẽ làm mông con bị hăm đỏ. Do đó khi đã chăm sóc và vệ sinh rất tốt cho con mà con vẫn bị hăm thì bố mẹ nên để ý đến vấn đề tiêu hóa của bé. Giải quyết vấn đề tiêu hóa bé sẽ giảm tình trạng hăm mông do nguyên nhân này.

Rôm sảy

Tình trạng rôm sảy là tình trạng phổ biến thường gặp ở các bé, đặc biệt là những em bé sinh vào mùa nóng. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nóng bức quá, da không thoát nhiệt được. Các em bé thường gặp tình trạng này có thể là do bố mẹ ủ bé kỹ quá hoặc phòng nóng không thoát được nhiệt… Cần nhấn mạnh lại lần nữa với ba mẹ, tình trạng rôm sảy chỉ có một nguyên nhân duy nhất là do nóng quá mức và việc giữ mát không khí, giữ cho bé thông thoáng là cách giải quyết.

Trường hợp rôm nông ba mẹ chỉ cần giữ mát và bôi kem dưỡng ẩm cho bé là được, trường hợp rôm sâu thì cần có thêm thuốc bôi như corticoid. Tuy nhiên, đa phần tình trạng này bố mẹ chỉ cần giữ cho em bé thông thoáng, tắm sạch mát, dưỡng ẩm từ 3-5 hôm sẽ đỡ. Trường hợp không thuyên giảm thì ba mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để kê thêm thuốc bôi da cho bé.

Nguyên tắc chăm sóc và bảo vệ da cho bé

Ba mẹ cần nhớ nguyên tắc chăm sóc và bảo vệ da bé:

  • Vệ sinh sạch sẽ cho da bé, tắm rửa bằng sản phẩm dịu nhẹ, thiên nhiên.
  • Dưỡng ẩm cho da em bé thường xuyên nhất là sau khi tắm.
  • Mặc quần áo thấm hút mồ hôi và giữ không khí thoải mái thông thoáng cho bé.

3 nguyên tắc trên sẽ đảm bảo rằng da bé được sạch sẽ, được khỏe mạnh nhất và hạn chế tối đa các vấn đề về da.

Trên đây là những vấn đề về da bé thường gặp phải trong năm đầu tiên nhưng không phải bé nào cũng mắc phải. Các vấn đề này vẫn sẽ xảy ra dù cho ba mẹ có chăm sóc và vệ sinh kỹ càng cho bé tốt như thế nào. Sau 1 tuổi, bé lớn hơn có thể gặp một số vấn đề về da khác do khi lớn hơn, bé nghịch hơn, tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài. Hy vọng với những thông tin trên, ba mẹ sẽ hiểu hơn về da bé và có cách chăm sóc bảo vệ phù hợp.

← Bài trước Bài sau →