Các vấn đề thường gặp trên da bé trong năm đầu tiên (Phần 1)

Trong quá trình nuôi con ba mẹ sẽ nhận thấy đa phần các vấn đề trên da của bé sẽ xuất hiện trong năm đầu tiên. Sau khi bé lớn hơn, bé vẫn sẽ gặp một số vấn đề về da khác nhưng sẽ nhẹ hơn và không phổ biến ở mọi em bé. Các vấn đề về da của bé trong năm đầu tiên này không phải là tình trạng đặc biệt mà chỉ là một dạng vấn đề về da sinh lý mà hầu như bé nào cũng đều phải trải qua.

Nguyên nhân là do trước khi sinh ra em bé được bao bọc trong môi trường nước ối, là một môi trường sạch, hoàn toàn không có vi khuẩn, vi rút. Sau đó, khi chào đời, ở ngoài môi trường của chúng ta, bé sẽ phải tập thích nghi dần với sự tồn tại của vi khuẩn, mầm bệnh. Trong khi đó, da em bé sơ sinh còn mỏng và yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên việc bé mắc một số vấn đề về da trong giai đoạn này là điều tất yếu, ngay cả khi ba mẹ đã chăm sóc, vệ sinh cho bé rất tốt.

Ở phần 1 này, arau.baby sẽ cùng ba mẹ tìm hiểu về một số vấn đề trên da thường gặp ở đa số các em bé sơ sinh.

Mụn kê, mụn sữa

Tình trạng mụn kê mụn sữa hiểu đơn giản là các lỗ chân lông, các tuyến nhờn hơi bị bít tắc, vị viêm nhẹ, sưng nhẹ ở đầu lỗ chân lông đó, sau 1 thời gian sẽ bong ra và sạch sẽ. Biểu hiện của tình trạng này là các mụn nhỏ như đầu tăm, màu trắng, chỉ số ít có hơi đỏ xung quanh 1 chút. Nhưng gần như các bạn sẽ thấy chúng không đỏ và không sưng tấy xung quanh. Chỉ thấy mụn cồi trắng, tập trung ở vùng chữ T trên mặt là nhiều nhất. Trên người bé cũng có lác đác, vùng lưng nhưng không quá dày, không phổ biến. Nói chung tình trạng mụn kê mụn sữa là tình trạng lành tính, và hầu như em bé nào cũng trải qua. Tình trạng này sẽ thường xuất hiện vào khoảng tuần thứ 3 thứ 4 sau sinh của em bé, khoảng sau 3-5 tuần em bé sẽ hết. Quá trình tắm rửa sạch sẽ cũng thúc đẩy quá trình này nhanh hết hơn và không cần bôi thuốc điều trị gì trong trường hợp này.

Viêm da tiết bã vùng da đầu (cứt trâu)

Tình trạng này sẽ có ở 2 vùng, vùng lông mày vùng chữ T và vùng da đầu mà dân gian hay gọi là cứt trâu. Tên khoa học của hiện tượng cứt trâu mà ông bà ta hay gọi là viêm da tiết bã vùng da đầu.

Biểu hiện của viêm da tiết bã vùng da đầu là tại vùng đầu của bé hình thành các mảng bám gần giống như gàu, nó có chứa một lượng dầu nên bết dính hơn. Lúc này biểu hiện đầu tiên ba mẹ sẽ thấy là vảy màu trắng sau đó chuyển màu vàng vàng và bám trên đầu. Các vảy này sẽ đóng thành lớp ở trên đầu, vùng chỏm tóc của bé. Tình trạng viêm da tiết bã vùng da đầu phần lớn là do yếu tố cơ địa và không liên quan đến vấn đề vệ sinh sạch hay bẩn.

Để cải thiện tình trạng viêm da tiết bã vùng đầu ba mẹ có thể thực hiện theo các bước sau đây:

  • Bước 1: Chuẩn bị dầu dưỡng ẩm/ dầu dừa/ dầu mát xa cho trẻ em để bôi lên vùng da có chứa vảy gàu rồi đợi khoảng 5 - 10 phút để các mảng bám này mềm ra.
  • Bước 2: Dùng lược chải nhẹ nhàng, chải nhiều lần cho bé để có thể loại bỏ sạch các các mảng bám.
  • Bước 3: Dùng sản phẩm tắm gội, thành phần thiên nhiên dịu nhẹ an toàn tắm lại sạch sẽ cho bé.

Mỗi ngày, ba mẹ lặp lại các bước trên, dần dần theo thời gian tình trạng viêm da tiết bã vùng da đầu của con sẽ giảm và hết. Tuy nhiên, một thời gian sau tình trạng này có thể tái phát vì có liên quan đến yếu tố nội tiết trong cơ thể.

Viêm da tiết bã vùng da mặt (vùng chữ T)

Tình trạng viêm da tiết bã vùng da mặt giống cấu trúc của hiện tượng viêm da tiết bã vùng da đầu. Tuy nhiên, viêm da tiết bã vùng mặt mỏng hơn và do bé hay dụi nên chúng thường đỏ hơn.

Biểu hiện của tình trạng này là em bé xuất hiện các mảng da sưng, tấy đỏ, đóng vảy vàng vùng gần 2 bên lông mày của bé men theo hình chữ T. Với vùng da này, ba mẹ cũng chăm sóc tương tự như vùng đầu. Ba mẹ vẫn làm sạch vảy gàu bằng các loại kem mát xa, dầu dưỡng ẩm sau đó tắm cho bé và lau sạch vùng mặt. Bước cuối cùng khác với chăm sóc vùng da đầu là ở vùng da mặt ba mẹ bôi thêm kem dưỡng ẩm để bảo vệ và dưỡng da cho bé.

Ba mẹ lưu ý, khi bé bị viêm da tiết bã trên vùng mặt, bé dễ đưa tay lên gãi, chà sát nên không giữ được vệ sinh tốt, do đó, trong một số trường hợp nó bị sưng đỏ quá mức. Lúc này vùng giữa và hai bên lông mày có những mụn nước li ti, có thể chảy nước, dịch vàng ra, sưng đau hơn mức thông thường. Đây là một số trường hợp bị bội nhiễm thêm, ba mẹ nên thăm khám bác sĩ để có phương án dùng thêm thuốc bôi corticoid tại chỗ. Trường hợp vùng da sưng đỏ vừa phải thì chỉ cần chăm sóc bình thường như vùng da đầu.

Nguyên tắc chăm sóc và bảo vệ da cho bé

Ba mẹ cần nhớ nguyên tắc chăm sóc và bảo vệ da bé:

  • Vệ sinh sạch sẽ cho da bé, tắm rửa bằng sản phẩm dịu nhẹ, thiên nhiên.
  • Dưỡng ẩm cho da em bé thường xuyên nhất là sau khi tắm.
  • Mặc quần áo thấm hút mồ hôi và giữ không khí thoải mái thông thoáng cho bé.

3 nguyên tắc trên sẽ đảm bảo rằng da bé được sạch sẽ, được khỏe mạnh nhất và hạn chế tối đa các vấn đề về da.

Trên đây là những vấn đề về da mà đa phần các bé đều gặp phải trong năm đầu tiên. Các vấn đề này vẫn sẽ xảy ra dù cho ba mẹ có chăm sóc và vệ sinh kỹ càng cho bé tốt như thế nào. Sau 1 tuổi bé có thể gặp một số vấn đề về da khác do khi lớn hơn, bé nghịch hơn, tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài. Hy vọng với những thông tin trên, ba mẹ sẽ hiểu hơn về da bé và có cách chăm sóc bảo vệ phù hợp.

← Bài trước Bài sau →