Đặc điểm quan trọng về trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi mẹ nhất định phải biết
Giấc ngủ
Em bé sơ sinh trong tháng đầu tiên cần ngủ từ 16 -18 tiếng một ngày. Thông thường, một cữ ngủ của bé từ 3 - 4 tiếng sau dậy ăn và chơi trong khoảng 30 phút rồi lại ngủ tiếp.
Bố mẹ cần chú ý để bé ngủ trong tư thế nằm ngửa vì đây là tư thế an toàn nhất đối với bé, đặc biệt là với các bé sơ sinh. Không nên để bé nằm nghiêng hoặc nằm sấp để tránh những trường hợp trẻ sơ sinh tử vong do mắc phải hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh có liên quan đến các tư thế ngủ không an toàn.
Nên đặt bé nằm trên mặt phẳng, không quá mềm ở trong cũi hoặc giường riêng của bé. Trong cũi, giường bé ngủ không để chăn gối, thú bông hoặc chèn gối mềm để tránh nguy hiểm cho bé.
Ngoài ra, bố mẹ cần tránh cho bé nằm nôi có độ trũng ở giữa, võng vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho bé. Việc nằm nôi mềm, võng khiến bé sẽ bị phụ thuộc, làm giảm vận động của bé trong những tháng sau. Đồng thời, tư thế cong cột sống làm ảnh hưởng đến hô hấp của bé. Bên cạnh đó nằm võng, nôi còn rất nguy hiểm khi đến tháng bé biết lẫy, biết lật. Do vậy, bố mẹ nên để bé nằm cũi, giường ngay từ đầu.
Khi mới sinh, xương sọ còn mềm do đó bố mẹ cũng cần lưu ý thường xuyên đổi chiều ngủ của bé để phòng trường hợp méo đầu. Thay đổi theo ngày để tránh bé chỉ quay 1 bên dễ dẫn đến vẹo cổ sinh lý, hoặc méo đầu.
Ăn uống
Ở tháng đầu tiên, mẹ nên cho bé bú theo nhu cầu bất cứ lúc nào bé đói. Trong 1 ngày không nên ít hơn 6 cữ sữa. Trường hợp nếu bé ngủ quá lâu thì 4 tiếng mẹ nên đánh thức con dậy để bú. Lý tưởng nhất một ngày bé nên bú 8 - 12 cữ sữa.
Vào ban ngày, khoảng 2 - 3 tiếng, mẹ cho bé bú 1 lần. Mỗi cữ bú từ 10-15 phút, khi cữ bú ngắn hơn 5 phút hoặc nhiều hơn 45 phút đều không tốt. Nếu bé bú ngắn hơn 5 phút, bé sẽ chỉ bú được sữa đầu chứa nhiều đường có tác dụng giải khát chứ không chứa nhiều năng lượng như sữa sau chứa chất béo, dễ làm cho bé chậm tăng cân.
Vào ban đêm, bé có thể thức dậy để bú 2 - 3 lần hoặc có những bé chỉ dậy để bú 1 lần là bình thường. Tuy nhiên, cữ ban đêm sẽ dài hơn ban ngày, thường cữ đêm sẽ dài từ 3 - 4 tiếng một cữ. Trong tháng đầu tiên này, em bé chưa nên ngủ xuyên đêm, ít nhất cũng cần dậy bú 1 lần.
Đối với bé bú sữa mẹ trực tiếp, khi bú đủ no bé sẽ nhả ra.
Đối với bé bú sữa công thức, mẹ cần lưu ý pha lượng sữa vừa đủ với con. Bởi vì, dạ dày của bé ban đầu có kích thước khá nhỏ, sau đó mới phát triển và lớn dần. Do đó, mẹ cũng nên tăng dần lượng sữa theo tuần, không nên cho bé ăn quá nhiều ngay từ đầu có thể gây nôn trớ, sợ ăn, dãn dạ dày…
Trong 2 tuần đầu lượng sữa bé ăn khoảng từ 30 - 50ml/lần, nhiều nhất là 50ml/lần. Đến tuần thứ 3 có thể tăng lên thành 70ml/lần, tuần thứ 4 là 90ml/lần. Tổng lượng sữa trong ngày bé ăn, bố mẹ có thể tính theo công thức dựa vào cân nặng của con: 150ml sữa/kg cân nặng/ngày. Ví dụ bé được 3kg thì 1 ngày bé uống khoảng 450ml là đủ.
Bên cạnh đó bố mẹ cũng cần quan sát nước tiểu của con để biết con bú có đủ hay không. Trong 3 ngày đầu, lượng nước tiểu của bé tương đối ít, sau đó tăng dần từ ngày thứ 4 và thứ 5 là lúc cơ quan bài tiết hoạt động tốt hơn. Ít nhất em bé phải đi tiểu 6 lần/ngày thì mẹ có thể tạm yên tâm là bé bú đủ sữa. Thông thường bé sẽ đi tiểu nhiều hơn khoảng 10 hoặc trên 10 lần/ ngày.
Nhiệt độ
Với em bé sơ sinh trong 2 tuần đầu, cơ quan điều nhiệt hoạt động còn chưa tốt nên bé sẽ lạnh hơn và dễ mất nhiệt hơn người lớn. Bố mẹ nên để nhiệt độ phòng từ 28-32 độ để đủ độ mát mẻ, không để phòng lạnh. Đồng thời có thể cho bé mặc quần áo dài tay, đi tất tay và đội mũ, vừa đủ ấm chứ không nên mặc quá nhiều sẽ gây nóng.
Sau 2 tuần khả năng cân bằng nhiệt đã tốt hơn và thời điểm này em bé có xu hướng nóng hơn người lớn do các hoạt động trao đổi chất diễn ra trong cơ thể bé. Do đó, nhiệt độ phòng lúc này bố mẹ chỉ nên để từ 20-26 độ, đồng thời không cần đi bao tay, bao chân hay đội mũ cho bé mà chỉ cần mặc quần áo dài, quấn một lớp chăn mỏng bên ngoài. Việc che thóp, đội mũ ở thời điểm này với mục đích làm ấm hay bảo vệ não là không cần làm vì nó không có tác dụng. Đội mũ vào thời điểm này còn có thể gây nóng cho bé vì vùng đầu là vùng tỏa nhiệt nhiều nhất.
Chăm sóc da bé
Da bé vào thời điểm này sẽ có hiện tượng bong tróc da, mụn kê là hiện tượng bình thường bố mẹ không cần cố gắng loại bỏ hiện tượng này nhất là tuyệt đối không sử dụng mẹo dân gian.
Một tuần bố mẹ chỉ cần tắm cho bé từ 3-4 lần. Tắm bằng nước sạch hoặc sử dụng sữa tắm có nguồn gốc tự nhiên, an toàn với bé và không cần thêm chanh, hay tắm lá sẽ gây khô da bé. Chọn thời điểm tắm vào buổi chiều để bé thoải mái dễ ngủ.
Những ngày đầu, từ ngày thứ 2, thứ 3 sau sinh bé có thể có triệu chứng vàng da sau sinh. Triệu chứng này nhìn thấy rõ hơn dưới ánh sáng ngoài trời. Cao điểm của vàng da sau sinh rơi vào ngày thứ 4 và sau 2 tuần sẽ hết. Nếu bé vàng da nhẹ xuất hiện ở vùng mặt, vùng cổ, ngực, tay thì bố mẹ có thể yên tâm. Tuy nhiên, nếu vàng da có xu hướng tăng nhanh, vàng cả các vùng dưới bụng, đồng thời có triệu chứng biếng ăn bỏ bú thì nên đi thăm khám.
Tắm nắng
Bố mẹ lưu ý về vấn đề tắm nắng, đối với bé dưới 6 tháng không tắm nắng cho bé để đề phòng tình trạng nguy cơ gây ung thư da do tia UVA, tia cực tím. Thay vào đó, bố mẹ cần bổ sung vitamin D3 cho bé theo lượng 400iu/ngày ngay từ lúc mới sinh cho dù bé uống sữa mẹ hay sữa công thức.
Tuy không được tắm nắng nhưng việc bế bé ra ngoài trời để bé tiếp xúc với không khí tự nhiên thì khuyến khích mẹ ra trước khi có nắng gắt, khoảng trước 9h sáng cũng rất tốt cho bé. Hoặc mẹ có thể bế bé ra phòng ngoài, phòng thoáng mát, ấm áp có ánh sáng trực tiếp soi vào nhà.
Chăm sóc rốn
Các bé sơ sinh thường rụng rốn sau 7-14 ngày. Khi chưa rụng rốn, nguyên tắc để chăm sóc dây rốn của bé là làm khô thoáng vùng rốn. Khi tắm bố mẹ có thể làm ướt bình thường sau đó lau khô và để khô thoáng, không nên quấn kỹ. Hàng ngày, bố mẹ dùng nước muối sinh lý để vệ sinh, không cần sát khuẩn. Chỉ trừ khi dây bẩn như phân, nước tiểu thì mới cần sát khuẩn bằng cồn hay sát khuẩn chuyên dụng để tránh nhiễm trùng.
Đến tuần thứ 3, nếu rốn đã rụng, kết mày thì tiếp tục giữ vệ sinh khô thoáng. Nếu sau 3 tuần rốn bé vẫn chảy nước vàng, rốn ướt, có mùi hôi thì cần đưa bé đến bệnh viện để thăm khám chính xác nguyên nhân. Không được tự ý chữa mẹo, chữa thuốc ở nhà.
Vệ sinh miệng
Mẹ nên tưa miệng bằng nước lọc hằng ngày 2 lần vào sáng và tối. Tuyệt đối không dùng mật ong vì mật ong chứa nhiều vi khuẩn gây nguy hiểm cho bé, đặc biệt bé dưới 1 tuổi.
Trên đây là những lưu ý cơ bản nhất về cách chăm sóc bé sơ sinh 1 tháng tuổi để bố mẹ yên tâm chăm sóc bé nhất là với những gia đình có bé đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ. Đừng quên luôn có arau.baby đồng hành cùng bố mẹ trong quá trình nuôi con khôn lớn, bố mẹ nhé!