Những hiểu lầm dẫn đến việc cho bé ăn dặm quá sớm
Về mặt lý thuyết, mọi người đều biết rằng thời điểm 6 tháng là bé có thể bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên, trên thực tế không phải tất cả các bé đều sẵn sàng và mẹ nào cũng bắt đầu cho con ăn dặm vào thời điểm này. Phần lớn hơn trong số những mẹ cho bé ăn dặm vào thời điểm không phù hợp là trường hợp các mẹ cho bé ăn dặm quá sớm. Cùng arau.baby tìm hiểu những hiểu lầm dẫn đến việc cho bé ăn dặm quá sớm trong bài viết này để tránh gặp phải nhé!
Tác hại khi cho bé ăn dặm quá sớm
Khi mẹ cho bé ăn dặm quá sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bé. Những ảnh hưởng này không nhìn thấy ngay lập tức nhưng chúng sẽ tích lũy dần dần và ảnh hưởng lâu dài về sau.
- Gánh nặng lên các cơ quan còn non nớt của bé, như đường tiêu hóa, đặc biệt là thận. Vì thận sau 12 tháng mới phát triển ổn định.
- Nguy cơ dị ứng cao hơn, đồng thời lúc này các cơ chế tự phòng vệ trong cơ thể bé chưa đủ khỏe sẽ gây ra nhiều nguy hiểm hơn cho bé.
- Nguy cơ béo phì cao hơn: Những em bé ăn dặm sớm thường dễ khiến kích thước dạ dày tăng lên nhanh chóng gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật điển hình như chứng béo phì.
- Khi ăn dặm quá sớm, bé chưa cứng cổ, chưa thể ngồi kể cả khi có hỗ trợ, do đó mẹ thường cho bé nằm hoặc bế bé nằm để cho bé ăn. Đây không phải là tư thế ăn đúng và nó có thể gây ra nguy cơ sặc bột, cháo gây viêm tai giữa mặc dù ít xảy ra. Đặc biệt tư thế nằm ăn sẽ làm chậm quá trình thích nghi, phát triển hoạt động ăn. Vì khi nằm ăn cháo bột thì không khác gì cho bé uống sữa, bé chỉ việc nuốt mà không tập các cơ vùng mặt.
Những hiểu lầm dẫn đến việc cho bé ăn dặm quá sớm
Có không ít bé được cho ăn dặm vào thời điểm chưa thích hợp, có thể sớm hơn, có thể muộn hơn khiến sức khỏe của bé chịu nhiều ảnh hưởng xấu. Đa phần các mẹ hay mắc phải việc cho bé ăn dặm quá sớm trong giai đoạn trẻ được 3 hoặc 4 tháng tuổi vì những hiểu lầm sau đây.
Nhầm lẫn những biểu hiện của con
Vào thời điểm khi bé được khoảng 3 đến 4 tháng tuổi, mẹ sẽ gặp nhiều biểu hiện của bé như nhìn theo mọi người ăn, chóp chép miệng cảm giác rất đói hay kèm theo hoặc không kèm theo việc bé quấy khóc nhiều hơn vào ban đêm, ngày biếng ăn hơn…
Tuy nhiên, điều này có thể do một số trường hợp bé có nhu cầu tăng lượng sữa trong khi mẹ không tăng lượng sữa lên cho bé. Hoặc đối với những bé không được bổ sung vitamin D ngay từ đầu, khi đến tháng thứ 3, thứ 4 lượng vitamin D dự trữ từ khi còn trong bào thai đã hết gây ra việc thiếu canxi khiến bé trằn trọc, khó ngủ.
Việc cần làm của mẹ là nên kiểm tra tăng lượng sữa hoặc bổ sung vitamin D hợp lý, tùy vào biểu hiện của bé chứ không phải cho bé ăn dặm vào thời điểm này.
Quan điểm: “ăn sớm cho chắc dạ”
Hiểu lầm này thường xảy ra ở những gia đình có nhiều thế hệ. Ở giai đoạn khi con 3 đến 4 tháng tuổi mẹ thấy con biếng ăn, đêm khó ngủ. Với những mẹ sinh con lần đầu còn nhiều bỡ ngỡ không khỏi thiếu tự tin vào kinh nghiệm của mình, lại được các bà chia sẻ kinh nghiệm, cho rằng biểu hiện này cho thấy bé đang đói cần được ăn dặm sớm cho chắc dạ.
Nếu mẹ còn băn khoăn thì bằng chứng được đưa ra rất thuyết phục “ngày xưa ăn thế có sao đâu, vẫn lớn ầm ầm”... Sau đó, nhiều mẹ cho bé ăn thử 1 vài thìa bột thì lại thấy ngày hôm đó bé ngủ ngon nên càng củng cố việc cho bé ăn dặm vào thời điểm này là đúng.
Thực tế, đây là giai đoạn biếng ăn sinh lý trùng với giai đoạn con đang phát triển kỹ năng mới như lẫy, lật do đó bé sẽ biếng ăn và khó ngủ hơn trong khoảng 1 tháng. Lúc này hệ tiêu hóa của bé chỉ có thể hấp thu cũng như xử lý những chất dinh dưỡng từ sữa. Ăn sớm vào thời điểm này sẽ gây nhiều áp lực cho hệ tiêu hóa non nớt của bé.
Mẹ hãy tìm hiểu kỹ nguyên nhân, nếu là do con đang học lẫy lật thì mẹ hãy bình tĩnh mà không cần can thiệp gì, qua giai đoạn này bé sẽ lại ăn ngủ tốt như trước.
Ăn sớm tiêu hóa ổn định hơn
Nhiều mẹ thấy khi cho bé ăn bột sớm, bé đi vệ sinh sẽ bớt “xì xoẹt” hơn, phân đặc và đi ít lần trong ngày nên cho rằng hệ tiêu hóa của bé ổn định hơn khi cho ăn bột sớm. Tuy nhiên, thời điểm bé được 3, 4 tháng bé vẫn bú sữa mẹ nên việc đi phân lỏng, xốp và đi nhiều lần trong ngày là hoàn toàn bình thường. Mẹ không cần lo lắng và cho con ăn dặm sớm để thay đổi việc này.
Như vậy việc cho bé ăn dặm quá sớm hoàn toàn không mang lại lợi ích như những lầm tưởng, ngược lại còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé. Chính vì vậy, mẹ cần tìm hiểu kỹ về thời điểm thích hợp cho bé bắt đầu ăn dặm và quan trọng là mẹ cần lắng nghe và hiểu bé nhà mình. Hiểu khi nào bé sẵn sàng, hiểu khi nào là đã đến lúc ăn dặm… Có như vậy bé mới có thể phát triển khỏe mạnh.
Trong quá trình ăn dặm của bé, mẹ đừng quên có thể sử dụng nước rửa bình sữa arau.baby để vệ sinh bàn ăn, ghế ăn và những dụng cụ, đồ dùng ăn dặm của bé, mẹ nhé.