Khi nào bé có thể bắt đầu ăn dặm?

Trước quá nhiều thông tin như hiện nay, không ít các bà mẹ đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ lo lắng về thời điểm thích hợp có thể bắt đầu cho bé ăn dặm. Chưa kể đến mỗi đứa trẻ lại có thể trạng khác nhau, chính vì vậy mẹ cần phải có nhận thức đúng đắn để biết được khi nào bé đã sẵn sàng ăn dặm.

Ăn dặm là gì?

Trước hết mẹ phải hiểu rõ ăn dặm hay còn gọi là ăn bổ sung là những bữa ăn không phải là sữa được bổ sung vào trong chế độ ăn hằng ngày của bé. Các bữa này, mẹ cho bé ăn bổ sung cùng với sữa để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của bé. Tuy nhiên, ăn dặm không thay thế cho sữa vì dưới 1 tuổi thức ăn chính của bé vẫn là sữa.

Có phải mọi bé đều có cùng thời thời điểm bắt đầu ăn dặm?

Tổ chức WHO khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và sau đó cho bé ăn dặm. Khuyến cáo này nhằm để cho các bé được bú mẹ lâu nhất và bảo vệ đường tiêu hóa của bé. Tuy nhiên, vì mỗi em bé là một cá thể riêng biệt nên mẹ không nên máy móc về mốc thời gian ăn dặm cho bé. Mỗi em bé chỉ nên bắt đầu ăn dặm vào thời điểm mà em bé đó đã sẵn sàng, điều quan trọng là mẹ cần phải nhận biết được dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm.

Dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng ăn dặm

Quan trọng hơn cả mốc thời gian, bố mẹ cần nắm bắt được khi nào con của mình đã sẵn sàng với việc ăn dặm thông qua những dấu hiệu sau:

  • Xung quanh mốc 6 tháng: có thể là 5.5 tháng hay 6 tháng hoặc 6 tháng rưỡi
  • Cổ bé cứng, bé tự quay cổ qua lại được thì mẹ mới nên xem xét các dấu hiệu tiếp theo để cho bé ăn dặm.
  • Bé ngồi được khi có sự hỗ trợ: Tối thiểu bé phải ngồi được khi có sự hỗ trợ. Mẹ không nên cho bé ăn dặm ở tư thế nằm vì sẽ làm tăng nguy cơ sặc, nghẹn, hóc gây nguy hiểm cho bé.
  • Phản xạ lè lưỡi đẩy thìa của bé giảm: Các em bé sơ sinh do thói quen bú mớm từ khi chào đời nên thường có phản xạ đẩy lưỡi. Khi các phản xạ này giảm thì mẹ mới nên suy nghĩ đến việc cho bé bắt đầu ăn dặm.
  • Bé có hứng thú với việc ăn dặm.
  • Cân nặng của bé gấp đôi sơ sinh hoặc tối thiểu gần 6kg.
  • Cho bé ăn dặm khi đang khỏe mạnh, không ốm.

Ngoài ra bố mẹ cần lưu ý một số những biểu hiện giả khiến bố mẹ nhầm lẫn rằng con đã sẵn sàng ăn dặm:

  • Nhiều bé ở độ tuổi 4 tháng rất hứng thú với việc ăn dặm. Khi đưa thức ăn lại gần, bé chủ động đòi đưa lên miệng, tích cực mút, ngậm. Tuy nhiên, bé cần đồng thời có thêm vài dấu hiệu khác nữa mới có thể khẳng định bé đã sẵn sàng ăn dặm.
  • Bé thường hay tỉnh dậy vào ban đêm: Mẹ cần xem xét đã cung cấp đủ lượng sữa cho bé chưa? Hoặc mẹ có bổ sung vitamin D cho con ngay từ những tháng đầu không? Nếu không thì khả năng cao là do 2 nguyên nhân này mà không phải bé đã sẵn sàng ăn dặm.

Một số nguyên tắc khi cho bé ăn dặm

Khi bé bắt đầu ăn dặm, bố mẹ nên tuân thủ theo một số những nguyên tắc sau để bé hứng thú với việc ăn và ăn ngon hơn:

  • Luôn ngồi vào bàn ăn khi ăn: Khi ăn mẹ luôn để bé ở tư thế ngồi và ngồi vào bàn ăn của bé. Điều này để bé hiểu rằng khi ăn là phải vào bàn ăn, vừa sạch sẽ vừa giúp bé tập trung ăn uống, đồng thời sau này khi bé lớn bé cũng theo một nguyên tắc này.
  • Nguyên tắc tập trung khi ăn: Mẹ không nên cho bé vừa ăn vừa chơi, xem tivi, điện thoại, ăn rong… để tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé. Nếu không tập trung bé sẽ dễ mắc các chứng về rối loạn tiêu hóa, thừa cân béo phì, biếng ăn…
  • Không ép bé ăn: Khi ăn mẹ không nên ép hay thúc giục khiến bé không được thoải mái. Bé cần thấy ăn là quyền lợi của bé, nếu bé không ăn bé sẽ bị đói. Nếu thường xuyên ép bé ăn sẽ tạo tâm lý sợ hãi khiến bé dễ mắc phải chứng biếng ăn tâm lý.

Ăn dặm quá sớm hay quá muộn đều rất không tốt cho bé. Những ảnh hưởng khi cho bé ăn dặm quá sớm hay quá muộn đều không thể nhìn thấy ngay mà sẽ tích tụ dần gây ra những hậu quả đáng tiếc. Do đó bố mẹ cần phải tỉnh táo khi tìm hiểu các thông tin để quyết định thời điểm bắt đầu ăn dặm phù hợp cho bé.

Bố mẹ cũng đừng quên chăm sóc răng miệng cho bé với kem đánh răng arau.baby hàng ngày để bé có một sức khỏe răng miệng thật tốt và những giờ ăn ngon nhé.

 

← Bài trước Bài sau →