Hướng dẫn phòng tránh, chăm sóc và điều trị cúm A cho trẻ em

Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi khiến bé dễ ốm, đặc biệt là mắc các chủng cúm mùa. Tuy nhiên, hiện tại đang là mùa hè nhưng dịch cúm A bùng phát trái mùa khiến các bậc phụ huynh hết sức lo lắng. Vậy làm thế nào để phòng tránh bệnh cúm A cho bé hay nếu bé đã bị thì chăm sóc và điều trị thế nào? Cùng arau.baby tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Về bệnh cúm A

Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, bệnh thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, thường vào mùa đông xuân.

Virus cúm A có thể sống thuận lợi hơn ở môi trường lạnh. Theo đó, chúng có thể tồn tại ở ngoài môi trường lên đến 48h, ở trạng thái đông băng chúng có thể tồn tại nhiều năm và tối thiểu 35 ngày ở nhiệt độ 4 độ C.

Ngược lại, virus cúm A dễ bị giết chết ở nhiệt độ 60 độ trong 30 phút. Trong điều kiện khi con người sống gần các loại gia cầm như gà, vịt… virus có thể thay đổi kháng nguyên, tạo ra những chủng cúm A mới.

Người bình thường khi hít phải virus cúm A bay trong không khí hoặc bám trên đồ ăn do người nhiễm bệnh phát tán khi hắt hơi, khi nói chuyện… sẽ bị nhiễm bệnh.

Ai cũng có thể mắc cúm A, tuy nhiên trẻ em là đối tượng dễ mắc hơn vì các nguyên nhân sau:

  • Trẻ còn nhỏ chưa thể tự biết cách phòng tránh khi tiếp xúc với môi trường xung quanh hay người mang mầm bệnh như đeo khẩu trang, tự rửa tay với xà phòng thường xuyên… Trường mầm non hay nhà trẻ là nơi trẻ dễ bị nhiễm bệnh hơn.
  • Sức đề kháng của trẻ còn non yếu trong những năm tháng đầu đời.

Virus cúm A có nguy cơ gây bệnh rầm rộ hơn và nhanh chóng lây lan thành dịch, với đặc trưng tính cảm thụ cao, thời gian ủ bệnh ngắn, lây lan nhanh và khả năng tồn tại lâu dài khiến bệnh nhi dễ mắc cúm A.

Triệu chứng khi mắc cúm A ở trẻ

Triệu chứng ban đầu của trẻ nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và các bệnh lây nhiễm do virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau như sau:

  • Sốt
  • Viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi)
  • Đau họng, đau đầu
  • Sợ ánh sáng và đau nhức mắt
  • Đau cơ, nhức mỏi đặc biệt ở lưng và chân

Do vậy, khi trẻ có những dấu hiệu này, cha mẹ thường dễ nhầm lẫn với những bệnh cảm lạnh thông thường vì vậy dẫn đến chậm trễ trong việc đưa trẻ đến khám và tiếp nhận điều trị thích hợp.

Tuy nhiên, ngoài những triệu chứng ban đầu nêu trên, cúm A ở trẻ em thường bị sốt cao từ 39-40 độ C, da mắt có hiện tượng xung huyết, họng đỏ xung huyết toàn bộ, trẻ mệt mỏi, chán ăn, quấy khóc.
Nếu trẻ có cơn sốt cao liên tục 39-40 độ C khó hạ thì cần đưa trẻ đến viện thăm khám ngay. Nếu không kiểm soát được cơn sốt, trẻ có thể bị co giật.

Cúm A ở trẻ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm não, hen phế quản kịch phát… gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bố mẹ cần lưu ý và theo dõi tình hình sức khỏe của bé một cách cẩn thận, khi gặp các triệu chứng nặng cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi. Một số triệu chứng nguy hiểm khi trẻ bị cúm A bao gồm:

  • Thở nhanh, thở rút ngực, khó thở;
  • Mặt xanh xao, da và môi tái nhợt;
  • Trẻ có dấu hiệu nôn liên tục;
  • Trẻ bị đau ngực;
  • Xuất hiện co giật;
  • Tiểu ít hoặc bé không có nước tiểu trong vòng 8 giờ;
  • Li bì, thay đổi tri giác, bỏ bú;
  • Sốt cao khó hạ…

Cách phòng tránh

Để phòng tránh nhiễm cúm A cho trẻ, ba mẹ cần thực hiện các biện pháp sau để bảo vệ trẻ:

  • Tiêm vaccine đầy đủ: Tiêm vaccine cúm hàng năm cho bé giúp bé giảm nguy cơ mắc cúm A 80-90%, hoặc nếu mắc cúm A thì diễn biến cúm nhẹ hơn. Việc tiêm vaccine được khuyến cáo từ trẻ 6 tháng tuổi trở lên và nên nhắc lại hằng năm. Virus cúm luôn đột biến, mỗi năm vaccine cúm ra đời với cập nhật các chủng virus cúm mới giúp ngăn chặn dịch cúm xảy ra.
  • Ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý: Việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như ngủ đủ giấc sẽ giúp trẻ tăng sức đề kháng chống chọi với virus gây bệnh.
  • Vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh sạch sẽ sẽ giảm thiểu khả năng trẻ bị nhiễm cúm. Đặc biệt đồ chơi của trẻ phải được vệ sinh thường xuyên để tránh trở thành nơi lây truyền bệnh.

Cách điều trị và chăm sóc khi bé bị nhiễm cúm A

Các trường hợp trẻ bị nhiễm cúm A ở thể nhẹ có thể điều trị, chăm sóc tại nhà. Lúc này, bố mẹ cần theo dõi bé sát sao kết hợp sử dụng thuốc theo liều bác sĩ kê và có chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý với bé.

  • Cho bé nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để lấy lại sức;
  • Sử dụng nước ấm để tắm cho bé, không để bé ngâm nước quá lâu;
  • Cho trẻ bú mẹ, sữa mẹ có nhiều dưỡng chất và cung cấp kháng thể giúp bé khỏe mạnh và chống chọi với cúm A;
  • Phụ huynh có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh đường thở cho bé, giảm dịch nhầy giúp bé dễ thở hơn;
  • Sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt theo liều chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc không có trong kê toa;
  • Uống nhiều nước, bổ sung thêm các vitamin nhóm B,C;
  • Cho bé mặc quần áo thấm hút mồ hôi, thoáng;
  • Người chăm sóc bé cần giữ vệ sinh, tay chân cần rửa sạch sẽ;
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người nhà để tránh lây nhiễm chồng chéo;

Nếu trong khoảng 7 ngày điều trị mà các triệu chứng không thuyên giảm, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, theo dõi và điều trị.

Phụ huynh cần lưu ý, tuyệt đối không tự ý mua và cho trẻ uống thuốc trị cúm hoặc kháng sinh nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.

Cúm A ở trẻ không phải là một bệnh lý nhẹ và lành tính đối với trẻ em. Do đó, phụ huynh cần thực hiện tốt những biện pháp phòng ngừa một cách chủ động như tiêm vaccine cho trẻ đúng lịch đủ mũi, thực hiện thói quen sinh hoạt tốt để bảo vệ sức khỏe của trẻ và gia đình.

 

Bài viết có tham khảo thông tin y khoa của một số bệnh viện như Vinmec, Tâm Anh, Hồng Ngọc…

← Bài trước Bài sau →