So sánh 3 phương pháp ăn dặm phổ biến hiện nay
Hiện nay, việc nuôi dạy bé có rất nhiều trường phái và phương pháp khác nhau mà mỗi mẹ, mỗi gia đình lại lựa chọn cho mình một cách riêng. Về quá trình cho bé ăn dặm cũng có đa dạng về phương pháp, tuy nhiên phổ biến nhất là 3 phương pháp: Ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm bé tự chỉ huy (BLW).
Chúng ta không thể khẳng định rằng phương pháp nào là tốt nhất bởi mỗi phương pháp lại có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Hơn nữa, mỗi bé có một tính cách và thể trạng khác nhau, mẹ cần hiểu con để lựa chọn phương pháp phù hợp với bé.
Cùng arau.baby so sánh các phương pháp ăn dặm phổ biến hiện nay thông qua ưu nhược điểm nhé!
Tìm hiểu phương pháp ăn dặm phù hợp với bé
1. Phương pháp ăn dặm truyền thống
Ăn dặm truyền thống là phương pháp quen thuộc có từ thời ông bà và truyền lại cho các mẹ. Với những mẹ đang có con nhỏ có lẽ đa phần cũng được bố mẹ cho ăn dặm theo phương pháp này. Chủ yếu các bé sẽ được ăn bột được nấu với các nhóm đạm, rau nghiền ngay từ khi bắt đầu ăn. Sau đó mẹ sẽ tăng dần độ thô lên cháo, cháo đặc, cơm nát, cơm và các thức ăn ăn kèm vẫn được xay lẫn hoặc cắt nhỏ cho đến khi bé có thể ăn được cơm.
Với phương pháp ăn dặm truyền thống, bé sẽ ăn bột, cháo xay nhuyễn với các nhóm thực phẩm khác
Ưu điểm:
- Mẹ dễ chuẩn bị đồ ăn cho bé.
- Bé ăn được nhiều và tăng cân đáng kể vào giai đoạn đầu ăn dặm.
- Mẹ xúc cho bé ăn nên bữa ăn gọn gàng, không mất công dọn dẹp nhiều sau khi bé ăn.
- Được sự ủng hộ hết mình của gia đình (nhất là thế hệ ông bà).
Nhược điểm:
- Vì thức ăn được xay nhuyễn nên kỹ năng nhai, nuốt của bé không tốt.
- Bé không cảm nhận được vị của các loại thức ăn nên dễ chán ăn vì các món bột xay, cháo xay đều có vị gần giống nhau.
- Khi bé dị ứng với đồ ăn, mẹ sẽ không biết thức ăn nào gây ra dị ứng cho bé.
- Bé không được chủ động với bữa ăn, kiểm soát lượng ăn của mình cũng như được từ chối khi đã no. Phần lớn thường ăn no quá so với khả năng của bé nên hay bị táo bón, đầy bụng...
- Mẹ dễ mắc phải những sai lầm khi cho bé ăn như: ép bé ăn, cho bé ăn sai tư thế, thu hút sự tập trung của bé sang việc khác để bé ăn nhiều hơn như: cho bé ăn rong, cho bé vừa ăn vừa chơi, xem điện thoại, ipad…
- Các bé ăn theo phương pháp này thường có kỹ năng tự xúc cơm chậm hơn.
Bé dễ chán ăn do các món xay nhuyễn gần giống nhau
2. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Phương pháp này bắt với cháo rây pha với nước theo tỉ lệ nhất định. Độ thô của phương pháp này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé. Khác với ăn dặm truyền thống, phương pháp này tách riêng các thức ăn của con được ăn trong 1 bữa. Bé sẽ được ăn lần lượt từ cháo rây đến các món ăn khác và ăn với lượng vừa đủ.
Ăn dặm kiểu Nhật bắt đầu với cháo rây pha với nước theo tỉ lệ nhất định
Ưu điểm:
- Bé có khả năng ăn thô, khả năng nhai nuốt tốt tăng dần theo độ tuổi.
- Bé được cảm nhận mùi vị của từng món ăn riêng biệt.
- Bố mẹ dễ dàng biết con bị dị ứng từ thực phẩm nào nếu có biểu hiện dị ứng.
- Các món ăn đa dạng, được thường xuyên đổi món nên bé có hứng thú với đồ ăn trong giai đoạn đầu.
- Mẹ có thể chuẩn bị sẵn thức ăn cho cả tuần bằng cách chế biến sẵn và trữ đông mà không mất đi chất dinh dưỡng.
Có thể chuẩn bị sẵn thức ăn cho cả tuần bằng cách trữ đông
Nhược điểm
- Tốn thời gian chuẩn bị món ăn.
- Trong giai đoạn đầu lượng ăn và cân nặng của bé không nhiều bằng lượng ăn của phương pháp ăn dặm truyền thống.
- Hay sử dụng thức ăn trữ đông đôi khi mùi vị không được thơm ngon như thức ăn tươi vừa chế biến.
- Không phải gia đình nào cũng ủng hộ phương pháp ăn này.
2. Phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy
Là phương pháp rất được yêu thích trong vài năm trở lại đây bởi bé được tự chủ trong bữa ăn của mình. Ngay từ khi bắt đầu, bé sẽ được mẹ chuẩn bị đồ ăn là rau củ quả được thái miếng dài, dễ cầm. Bé sẽ tập cầm nắm, tập đưa thức ăn vào miệng chính xác, tập nhai, tập nuốt… Cả quá trình mẹ chỉ theo dõi, hỗ trợ khi bé cần chứ không chỉ đạo. Bé sẽ chủ động với bữa ăn của mình, quyết định ăn gì trong những món ăn mẹ đưa, ăn bao nhiêu, tốc độ ăn…
Loại đồ ăn và hình dạng của thức ăn sẽ phù hợp với từng giai đoạn của bé. Đồ ăn sẽ nhỏ dần để bé luyện tập sự khéo léo hơn và cuối cùng là đến tập xúc bằng thìa, dĩa…
Ăn dặm theo phương pháp này sẽ chú trọng cho bé học kỹ năng nhiều hơn là lượng thức ăn bé ăn được. Thực tế, khi dưới 1 tuổi, thức ăn chính của bé vẫn là sữa.
Hình dạng thức ăn của phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy sẽ phù hợp với từng giai đoạn phát triển kỹ năng của bé
Ưu điểm:
- Thói quen ăn ở tư thế ngồi và ngồi ở bàn ăn khi đến ăn.
- Bố mẹ dễ dàng biết con bị dị ứng từ thực phẩm nào nếu có biểu hiện dị ứng.
- Bé được chủ động hoàn toàn trong bữa ăn của mình, không có tình trạng mẹ ép bé ăn.
- Các kỹ năng nhai nuốt, cầm nắm, bốc nhón, xúc thìa được phát triển rất tốt.
- Được tập nhai ngay khi bắt đầu giúp cơ hàm phát triển, linh hoạt hơn, hỗ trợ tập nói nhanh hơn.
- Mỗi bữa ăn bé được luyện tập kỹ năng, được khám phá, nhận biết màu sắc của các loại thức ăn giúp bé hứng thú hơn, thích việc ăn uống hơn.
- Không mất công chuẩn bị đồ ăn, vì đồ ăn của bé gần giống với đồ ăn của người lớn không nêm gia vị và có độ mềm hơn.
- Tạo thói quen ăn uống tự lập cho bé sau này.
Nhược điểm:
- Chú trọng vào học kỹ năng hơn lượng ăn nên không tăng cân nhiều như phương pháp ăn dặm truyền thống.
- Khi đang tập cầm nắm bé sẽ thường làm rơi đồ ăn lên quần áo, xuống đất hoặc ném đồ ăn đi khiến việc dọn dẹp của mẹ sẽ vất vả hơn.
- Mẹ cần phải tìm hiểu thông tin về các món ăn phù hợp với từng giai đoạn để tránh các tình huống hóc nghẹn hoặc nếu có thì mẹ phải biết cách xử lý.
- Khi mới tập ăn bé sẽ thường có phản xạ ọe khi chưa biết cách kiểm soát lượng thức ăn đưa vào miệng và hầu như không ăn được nhiều. Nên đòi hỏi mẹ phải rất kiên trì và vững tâm lý.
- Rất nhiều mẹ bỏ cuộc ở những tháng đầu vì không vượt qua được nỗi lo con hóc nghẹn, xót khi thấy con không ăn được gì hoặc không được ủng hộ của gia đình nhất là ông bà khi không hiểu rõ về phương pháp này.
Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy ở thời gian đầu khi mới tập kỹ năng, mẹ sẽ vất vả hơn trong việc dọn dẹp.
Với những ưu nhược điểm của các phương pháp mà arau.baby chia sẻ ở trên, bố mẹ nên kết hợp với việc hiểu con của mình để lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp với bé. Hoặc bố mẹ hoàn toàn có thể kết hợp các phương pháp lại với nhau hay áp dụng riêng từng phương pháp theo mỗi giai đoạn phát triển của bé. Điều này có nghĩa là bố mẹ không nên quá máy móc áp đặt phương pháp nào đó cho con mà nên linh hoạt để phù hợp với bé và gia đình.
Cuối cùng bố mẹ đừng quên rằng, lựa chọn hay không chọn một phương pháp nuôi dạy con nào đó thì mục đích cuối cùng vẫn là để mẹ và bé luôn được vui khỏe, bé phát triển đúng theo thể trạng của bé, bố mẹ nhé!