Bé biếng ăn do đâu, cách xử trí như thế nào?
Có thể ví biếng ăn như bộ phim dài tập xem mãi mà chưa thấy tập cuối. Tuy nhiên, mỗi bé có một thể trạng và gặp phải những nguyên nhân gây ra biếng ăn khác nhau, do đó cách xử trí cho mỗi bé cũng không giống nhau.
Không có một phương pháp nào có thể áp dụng cho tất cả các bé. Điều bố mẹ cần làm là hiểu rõ con của mình và biết được nguyên nhân gây ra biếng ăn để có những cách xử trí phù hợp. Cùng arau.baby tìm hiểu các nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ và cách khắc phục nhé!
Nguyên nhân nào khiến bé biếng ăn?
Biếng ăn sinh lý
Nguyên nhân này diễn ra theo sự phát triển và những thay đổi trong cơ thể của bé, chủ yếu qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn từ 3 - 4 tháng: Đây là giai đoạn bé bắt đầu học lẫy, lật, có thể hóng chuyện tốt. Do đó bé thích thú với những kỹ năng mới này hơn và xao nhãng dần việc ăn.
Giai đoạn từ 8 - 10 tháng: Giai đoạn này bé bắt đầu học ngồi, bò, đứng, đi. Đồng thời bé bắt đầu thấy chán những bữa ăn mềm nhuyễn hoặc các thức ăn quen thuộc trước đó, có nhu cầu muốn thay đổi cách ăn dặm.
Giai đoạn từ 18 - 24 tháng: Có thể tạm gọi đây là giai đoạn khủng hoảng lên 2. Ở giai đoạn này bé rất thích thú với mọi thứ xung quanh cũng như hoạt động, tương tác nhiều hơn và thể hiện tính cách cá nhân thông qua việc nói không nhiều hơn, không hợp tác trong việc ăn uống.
Cách xử trí: Nguyên nhân do biếng ăn sinh lý thường không kéo dài quá 1 tháng. Mẹ không cần can thiệp nhiều, vì thực tế có can thiệp cũng mang lại không hiệu quả.
Biếng ăn bệnh lý
Nguyên nhân do bệnh lý được chia ra làm các dạng bệnh lý như sau:
Bệnh lý ngắn hạn:
Nguyên nhân này thường xảy ra ở trẻ trong độ tuổi từ 6 - 36 tháng. Đây là giai đoạn cửa sổ miễn dịch của bé nên bé rất hay ốm vặt như: đau họng, viêm mũi, đau tai, đang mọc răng, sốt do tiêm phòng, tiêu chảy, táo bón cấp tính… Khi bé mắc phải những bệnh lý này bé thường mệt mỏi, chán ăn.
Cách xử trí: Nguyên nhân do bệnh lý ngắn hạn, không nghiêm trọng, sau khi hết bệnh lý này bé sẽ ăn trở lại bình thường.
Bệnh lý dài hạn:
Đối với bệnh lý dài hạn như táo bón dài hạn, tiêu chảy kéo dài… bé cần được thăm khám bác sĩ để chữa khỏi bệnh sau đó mẹ mới có thể cho con ăn nhiều hơn. Không nên ép bé ăn có thể khiến bé mắc thêm chứng biếng ăn tâm lý.
Khi bé ốm, mệt mỏi bé sẽ không còn hứng thú với việc ăn uống
Thiếu vi chất: Trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng có thể mắc nhiều vấn đề khác nhau, một trong số đó là tình trạng biếng ăn. Trẻ biếng ăn do thiếu vi chất thường gặp là thiếu vitamin nhóm B, kẽm, selen và một số axit amin thiết yếu (như Lysine), nếu không được bổ sung kịp thời thì khả năng chuyển hóa và hấp thu dinh dưỡng sẽ kém dần, trông bé lúc nào cũng tỏ ra mệt mỏi, sức khỏe suy giảm.
Cách xử trí: Cùng là thiếu vi chất gây ra biếng ăn nhưng mỗi bé lại thiếu những chất khác nhau. Do đó mẹ không nên bổ sung vi chất tổng hợp dễ dẫn đến tình trạng chất cần bổ sung vẫn thiếu, chất không cần bổ sung lại thừa. Trường hợp này bố mẹ cần cho bé đi khám để biết rõ bé thiếu chất gì và bổ sung như thế nào để phù hợp với thể trạng của bé.
Biếng ăn bẩm sinh: Nhiều bé sinh ra ít ăn hơn các bé khác và thậm chí còn không hứng thú với việc ăn, đây được coi là chứng biếng ăn bẩm sinh. Tình trạng biếng ăn bẩm sinh thì xử trí phức tạp hơn nên mẹ cần sự tư vấn và thăm khám của bác sĩ. Mẹ có thể bổ sung vi chất cho con theo từng giai đoạn để bù lại những chất dinh dưỡng con không thể hấp thu qua ăn uống.
Một số các bệnh lý khác như trào ngược nặng, tim… cũng là những nguyên nhân gây ra biếng ăn ở trẻ. Và hầu hết bệnh lý cần được chữa trị khỏi thì bé mới có thể ăn tốt trở lại.
Biếng ăn tâm lý
Tâm lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho bé biếng ăn và khi mắc thì rất khó để cải thiện. Những tác động đến tâm lý của bé khiến bé stress, sợ việc ăn, nhất là với những bé có tính nhút nhát. Biếng ăn tâm lý thường xảy ra ở những tình huống sau:
Bé bắt đầu đi học: Với những em bé nhút nhát việc phải xa người thân, thay đổi môi trường, nếp sinh hoạt khiến bé sợ sệt, khó thích nghi và chán nản với việc ăn uống.
Nỗi lo sợ xa cách khiến bé biếng ăn
Khi mẹ hết nghỉ sinh đi làm lại: Với những em bé nhỏ quen với việc bú mẹ. Phải xa mẹ khiến bé stress và chỉ ăn khi có mẹ ở nhà.
Bị ép ăn: Đa phần biếng ăn tâm lý thường xảy ra ở trường hợp này. Các bà, các mẹ thường mong muốn con ăn được nhiều hơn, ép con ăn cố để hết phần mà bà và mẹ đã làm hoặc trong thời kỳ bé ốm không muốn ăn nhưng do bị ép nên bé mang trong mình nỗi sợ việc ăn uống.
Cách xử trí: Bố mẹ cần chuẩn bị trước tâm lý và cách sinh hoạt cho bé trước khi thay đổi môi trường mới để bé có thể thích nghi tránh những tác động làm thay đổi quá lớn với khả năng của bé. Đồng thời, không ép bé ăn dưới bất kỳ hình thức nào khiến bé sợ, dẫn đến chứng biếng ăn tâm lý rất khó khắc phục.
Biếng ăn do vi phạm nguyên tắc ăn dặm
Biếng ăn ở trẻ có tới 90% là do nguyên nhân này gây ra. Thực tế, bố mẹ đóng vai trò chính trong việc tạo điều kiện cho bé vi phạm nguyên tắc ăn dặm, hình thành thói quen xấu khi ăn.
Không tập trung ăn: Vi phạm này thường khởi phát khi bé biếng ăn sinh lý, hoặc bệnh lý ngắn hạn. Thấy con chán ăn hoặc ốm mệt nên bố mẹ xót con, dùng mọi cách như ăn rong, để vừa ăn vừa chơi, cho con xem tivi, điện thoại khi ăn…với mong muốn bé ăn được ít nào hay ít đó. 1 - 2 lần đầu bé sẽ ăn trong vô thức và nhiều hơn nhưng dần dần bé sẽ quen và phụ thuộc với cách ăn như vậy. Bố mẹ sẽ thấy bé ăn được, tuy nhiên khi không tập trung bé sẽ không biết mình đang ăn gì, không có tác động xung thần kinh lên vùng não bộ hay kích thích lên dạ dày, đồng thời không tạo ra phản xạ đói, phản xạ chủ động trong ăn dặm của con. Kết quả dần dần con sẽ biếng ăn, đặc biệt chỉ từ biếng ăn sinh lý mắc phải thoáng qua sẽ trở thành biếng ăn kéo dài, khó khắc phục.
Bé không tập trung ăn dẫn đến chứng biếng ăn và nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa
Sự kỳ vọng bé ăn nhiều hơn khả năng của con: Các mẹ thường nấu một lượng nhiều hơn với sức ăn của con vì lượng đủ ăn của con sẽ cho mẹ cảm giác quá ít, làm sao con no được. Đến khi bé chỉ ăn hết khoảng ⅔ lượng thức ăn mà mẹ nấu, mẹ có xu hướng ép con ăn hết lượng còn lại. Lâu dần sẽ khiến bé sợ ăn, hình thành chứng biếng ăn lâu dài.
So sánh: Mẹ thấy các bé khác bằng tuổi, bằng cân nặng với con nhưng ăn được nhiều hơn con nên mẹ cũng muốn con phải ăn được như vậy. Tuy nhiên, thực tế cũng giống người lớn, dù bằng cân nặng, bằng độ tuổi nhưng mỗi bé sẽ có khả năng hấp thụ và sức ăn khác nhau. Việc ép bé ăn không những khiến bé biếng ăn hơn mà lượng thức ăn ăn vào cũng khó có thể hấp thu được khi tâm lý bé không được thoải mái.
Các bữa ăn gần nhau, ăn vặt nhiều: Nếu mẹ sắp xếp hoặc để các bữa bé ăn quá gần nhau sẽ khiến bé không có cảm giác đói, ăn không ngon miệng. Dần dần, bé sẽ dần chán với việc ăn uống. Tương tự việc ăn vặt liên tục khiến lúc nào bé cũng ở trạng thái lưng lửng, không đói cũng không no do đó bé sẽ bỏ bữa chính.
Tiếp xúc gia vị quá sớm: Cho bé “chấm mồm chấm miệng” thức ăn của người lớn, hoặc nêm gia vị quá sớm khiến bé chỉ thích ăn đồ ăn đậm vị mà bỏ những thức ăn nhạt của bé.
Cách xử trí: Người cần sửa là mẹ, là người chăm sóc bé, cần nhất quán những quy tắc giúp bé tập trung và tận hưởng bữa ăn. Thay đổi dần thói quen cho bé ăn dặm để con tập trung với bữa ăn và quyết định lượng ăn của mình.
Cho bé ăn đồ ăn của người lớn quá sớm khiến bé chê đồ ăn dành cho bé
Cuối cùng, mẹ lưu ý các em bé biếng ăn thường mắc do nhiều nguyên nhân một lúc nên mẹ cần bình tĩnh, tìm hiểu từng nguyên nhân và cách xử trí cho hợp lý. Hy vọng bài viết trên đây của arau.baby đã giúp mẹ có thêm nhiều thông tin về nguyên nhân gây ra sự biếng ăn của bé và cách xử trí. Chúc các bé có những giờ ăn ngon, thoải mái.