Quá nhiều đồ chơi khiến trẻ mất tập trung và giảm tính sáng tạo

Nhiều gia đình mua rất nhiều đồ chơi cho bé với mong muốn bé sẽ mày mò và sáng tạo hay đơn giản chỉ là bố mẹ không thể chịu được khi chứng kiến những trận khóc lóc, ăn vạ của bé trước những món đồ chơi mà bé thích. Bố mẹ nghĩ con sẽ bị thu hút bởi những món đồ chơi mình mua về, nhưng lần nào cũng chỉ được một thời gian ngắn là bé lại "vứt xó" và chỉ hứng thú với những món đồ chơi mà bé chưa sở hữu.
 

 

Tác dụng của đồ chơi với bé

Trước hết phải thú thực đồ chơi có nhiều lợi ích với bé, nhất là những bé đang trong độ tuổi hình thành và phát triển tư duy. Đồ chơi giúp bé đẩy mạnh cảm xúc, khám phá, suy nghĩ và rèn luyện tư duy theo từng độ tuổi, đồng thời giúp bé rèn tính cẩn thận.
 
Bên cạnh đó, đồ chơi là giải pháp hiệu quả để bé có thể vận động xoay quanh chúng mà không ngồi bất động hàng giờ với ti vi, điện thoại, ipad...
 
Tùy vào từng loại, sự phù hợp với từng lứa tuổi mà đồ chơi mang lại những lợi ích ích khác nhau. Với bé, sự hứng thú với đồ vật gì thì đồ vật đó có thể trở thành đồ chơi hữu ích nhất đối với bé. Tuy nhiên, bố mẹ cần kiếm soát các đồ vật gây nguy hiểm cho bé.
 
Ví dụ bé hứng thú với việc nấu ăn, bố mẹ hoàn toàn có thể để bé chơi với xoong nồi, thìa... Nhưng điều này sẽ gây mất vệ sinh khi khi bé mang đồ nấu ăn của cả nhà ra chơi hoặc với các dụng cụ nhà bếp sắc nhọn như dao, kéo, dụng cụ nạo, gọt... thì quá nguy hiểm với bé. Lúc này một bộ đồ chơi nhà bếp sẽ là lựa chọn tuyệt vời nhất.

 

Vì sao đồ chơi có nhiều lợi ích, nhưng quá nhiều đồ chơi thì không?

Đúng là đồ chơi mang lại nhiều lợi ích với các bé. Tuy nhiên, việc bé có quá nhiều đồ chơi lại mang lại những tác dụng ngược, không những không tốt cho sự phát triển về tư của trẻ mà còn ảnh hưởng xấu đến tính cách của bé.
 

 
Quá nhiều đồ chơi sẽ khiến bé giảm tính tập trung và sáng tạo. Thời gian bé chơi một món đồ chơi bất kì sẽ ít hơn. Bé sẽ dễ dàng bỏ cuộc nếu không biết cách chơi hoặc khi vừa lấy một món đồ chơi lên tay bé lại nhìn thấy một món đồ khác hấp dẫn hơn. Cứ như thế, bé chỉ kịp chiêm ngưỡng vẻ bề ngoài của các món đồ chơi mà chẳng thể tập trung với một món đồ chơi nào đủ lâu để có thể tư duy về cách chơi hay khám phá sự thú vị của chúng.
 
Hóa ra, việc bố mẹ cung cấp ít đồ chơi cho bé đòi hỏi bé phải sáng tạo và khám phá hơn, có nhiều lợi ích về sự phát triển nhận thức đối với bé hơn. Ngược lại nếu có quá nhiều đồ chơi, bé sẽ không biết phải chơi gì. Bé rất dễ chơi từ món này sang món khác một cách nhanh chóng mà không thực sự có trải nghiệm hữu ích.
 
Không những ảnh hưởng đến sự phát triển về tư duy của bé mà còn ảnh hưởng không hề tốt lên tính cách của bé. Nhiều đồ chơi bé sẽ có xu hướng không trân trọng món đồ mình đang có, tính cách sính đồ mới lạ. Giảm số lượng đồ chơi lại, bố mẹ sẽ dạy cho bé biết trân quý, biết ơn khi nhận được một món đồ chơi đồng thời rèn cho bé tính tập trung, kiên nhẫn và sáng tạo.
 

 
Ngoài ra, ít đồ chơi hơn còn tăng cơ hội cho bé xây dựng khả năng chịu đựng sự thất vọng, kiềm chế cảm xúc và tăng tính độc lập khi chơi. Từ đó, bé sẽ sáng tạo ra các cách giải quyết vấn đề, cách chơi mới và trải nghiệm sự vui thích, tự hào về bản thân khi làm được một việc gì đó.
 

Vậy bố mẹ nên lưu ý gì với vấn đề liên quan đến đồ chơi của bé?

Nếu bé đang có quá nhiều đồ chơi, bố mẹ nên soạn lại những món đồ nào bé không chơi đến hoặc chơi không thường xuyên cho bớt hoặc cất đi. Số còn lại chia làm 2 - 3 phần, cất đi 1 - 2 phần tùy tính cách từng bé. Thay đổi số đồ chơi luân phiên theo khoảng thời gian nhất định để bé hứng thú, sáng tạo hơn.

 
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên hạn chế mua đồ chơi cho bé bằng cách cân nhắc thật kỹ trước những lời hứa mua đồ chơi cho bé hoặc dặn dò người thân về quan điểm này để tránh đồ chơi được tặng quá nhiều. Đồng thời, không nên thỏa hiệp với những đòi hỏi vô cớ của bé chỉ vì sợ con sẽ gào khóc nơi đông người.
 
Ngoài ra, dựa vào tâm lý bố mẹ nào cũng luôn muốn con của mình được thông minh, nên các nhà sản xuất tạo ra những lợi ích quanh món đồ chơi mà họ đang kinh doanh. Tuy nhiên, không phải món đồ chơi nào cũng mang lợi ích cho bé thực sự. Đặc biệt những món đồ chơi hoàn thiện là những món chỉ cần ấn công tắc là chạy vòng quanh, phát nhạc không mang đến lợi ích khám phá cho bé và bé cũng rất mau chán với những món đồ chơi ở dạng đó.
 

 
Tựu trung, đồ chơi có mang lại lợi ích về phát triển trí tuệ cũng như thể chất của bé. Tuy nhiên, việc lựa chọn đồ chơi phù hợp và kiểm soát số lượng đồ chơi vừa phải dành cho bé là điều bố mẹ cần chú trọng để tránh mang lại tác dụng ngược.
 
Hy vọng sau bài viết này bố mẹ đã có thêm cái nhìn đúng đắn về việc cho bé chơi đồ chơi như thế nào để hữu ích. Bố mẹ cũng đừng quên vệ sinh đồ chơi cho bé định kỳ bằng nước rửa bình arau.baby để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ khi con chơi nhé.
← Bài trước Bài sau →