Đặc điểm quan trọng về em bé sơ sinh 4 tháng tuổi mẹ nhất định phải biết

Giai đoạn 4 tháng tuổi em bé của bố mẹ đã bước vào một chu kỳ phát triển mới. Đây là giai đoạn đánh dấu mốc phát triển vận động đầu tiên của bé. Vì thế bố mẹ cần có những biện pháp hỗ trợ giúp bé phát triển về vận động tốt hơn.

Dinh dưỡng

Trong giai đoạn này, bố mẹ cần chú trọng việc kéo dài khoảng cách giữa các cữ bú của bé và tăng lượng sữa trong mỗi cữ. Cụ thể, hiện tại từ 3,5 - 4 giờ bé mới cần ăn 1 lần, mỗi lần từ 150 - 170ml sữa.

Như vậy, ban ngày bé sẽ có khoảng từ 5 - 6 cữ sữa và ban đêm bé có thể chỉ có 1 cữ sữa. Giai đoạn này, bố mẹ nên luyện cho bé chỉ thức dậy ăn 1 lần chứ không thức dậy quá nhiều lần để ăn sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Về tổng lượng sữa trong ngày bố mẹ vẫn tính dựa theo công thức 120 - 150ml/kg/ngày.

Giấc ngủ

Thời gian ngủ của bé lúc này giao động từ 14 - 16 giờ/ngày. Tuy nhiên có thể thay đổi tùy bé, nhưng cơ bản là ban ngày bé sẽ ngủ ít đi và ban đêm bé ngủ dài hơn các tháng trước. Một giấc ngủ đêm của bé có thể kéo dài từ 7 - 8 giờ sau đó bé mới có dấu hiệu dậy để đòi ăn. Ban ngày bé có thể có từ 2 - 3 giấc, mỗi giấc ngủ từ 1,5 - 2 giờ.

Sau 3 tháng tuổi, bước sang tháng thứ 4 bé nhận đủ lượng sữa vào ban ngày nên ban đêm bé có thể ngủ thẳng 1 giấc dài. Do đó, nếu bé không có nhu cầu dậy ăn, không quấy khóc đòi ăn thì mẹ không cần đánh thức bé dậy.

Hỗ trợ phát triển trí não của bé

Giai đoạn này bé phát triển rất nhanh về mặt nhận thức. Biểu hiện là bé có thể nhận diện tốt âm thanh. Bé thể hiện tiếng cười, sự thích thú với mọi thứ xung quanh. Khi mẹ gọi bé, bé đã biết quay đầu về phía tiếng gọi. Bé có thể ê a, tiếp xúc ánh mắt với mẹ...

Để hỗ trợ bé phát triển trong giai đoạn này, bố mẹ sử dụng các đồ chơi có màu sắc để phát triển thị giác, những đồ chơi có âm thanh như những cái xúc xắc để phát triển thính giác…

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là bố mẹ nên trò chuyện trực tiếp hàng ngày với bé. Bố mẹ cần ít nhất 1 giờ mỗi ngày để tương tác trực tiếp với con. Các âm thanh qua tivi, đài, điện thoại không tác động nhiều đến bé, giúp bé phát triển giọng nói bằng giọng nói giao tiếp trực tiếp với bé. Vì vậy, bố mẹ không cần lo về vấn đề giọng nói không hay, hát không hay...mà nên tập trung dành nhiều thời gian để nói chuyện với bé nhiều hơn.

Bố mẹ cần đặc biệt cân nhắc trước các loại thuốc được quảng cáo là giúp bé phát triển trí não cho bé. Vì thực tế sự phát triển trí não của bé phụ thuộc vào chính bố mẹ. Bố mẹ cần dành nhiều thời gian cho con, chơi và nói chuyện cùng con là liều thuốc tốt nhất với bé.

Hỗ trợ phát triển vận động

Giai đoạn này, bé đã cứng cổ hơn, đánh dấu bước phát triển đầu tiên của bé đó là hoạt động lẫy. Có những bé lẫy sớm bắt đầu từ những tuần đầu tiên ở tháng thứ 4, nhưng có những bé lẫy muộn hơn. Đa phần những bé có thể trạng mũm mĩm thường lẫy muộn hơn, nhưng bé nhỏ gọn thì thường lẫy nhanh hơn.

Đầu bé thường nặng hơn nên mẹ sẽ thấy bé lật phần chân và lưng trước, phải đến cả tuần sau mẹ mới thấy bé lật cả đầu. Nếu bé đang ở giai đoạn này, bố mẹ hãy hỗ trợ cho bé nằm sấp, nằm bụng sau đó đặt đồ chơi vào trước mặt bé vào khoảng tay với của con để bé chủ động chống tay xuống giường hoặc ngẩng cổ lên để nhìn và với.

Mẹ có thể matxa tay chân hàng ngày cho bé để bé săn chắc cơ, chắc khỏe để các khớp vận động linh hoạt.

Lúc này em bé bắt đầu cứng cổ nên mẹ có thể bế vác và đỡ tay vào cổ bé. Mẹ không cần lo lắng về vấn đề xương của bé vì bé đã cứng cáp hơn.

Đặc điểm riêng của bé giai đoạn 4 tháng tuổi mà mẹ cần chú ý

Bé thường có tình trạng chảy nước miếng. Có một số bé đã bắt đầu mọc răng sớm từ giai đoạn này, số khác thì chưa. Đa phần các bé có chảy nước miếng và chảy rất nhiều, sau đó vài ngày sau có hiện tượng đi tiêu lỏng hơn, phân xanh, hoặc phân có nhầy và đi tiêu tăng lên. Mẹ yên tâm vì đó là hiện tượng hoàn tòan bình thường không phải hiện tượng tiêu chảy mẹ không cần can thiệp.

Bé thích nghịch bàn tay của mình, đưa tay vào miệng, đưa tất cả những đồ trong tầm với vào miệng. Những bé hay đưa sâu quá có thể bị ho, nôn trớ. Việc ngậm tay này nằm trong quy trình phát triển bình thường của bé, mẹ không cần can thiệp hay quá căng thẳng về vấn đề này. Mẹ chỉ cần vệ sinh tay cho bé sạch sẽ là được. Không cần cai việc ngậm tay của bé, vì khi bé bước vào giai đoạn 6 tháng bé có hứng thú với mọi thứ xung quay bé sẽ tự cai.

Các loại đồ chơi cần có kích thước phù hợp và đảm bảo an toàn không sắc nhọn để tránh bé đưa vào miệng gây nguy hiểm, hóc nghẹn cho bé.

Khi bước sang tháng thứ 4, bé chỉ có khoảng 2 tuần đầu ngoan, còn 2 tuần còn lại 70% bé sẽ gặp tình trạng biếng ăn sinh lý giai đoạn này. Lượng ăn của bé giảm hẳn 1 nửa hoặc chỉ bằng ⅔ so với giai đoạn trước đấy. Bé ngủ không còn theo giấc, hay cáu, hay trằn trọc vào ban đêm. Biếng ăn, biếng ngủ sinh lý là giai đoạn phát triển bình thường, không phải bệnh, không phải thiếu chất, do đó bố mẹ nên nương theo sự phát triển của con thay vì tìm các loại thuốc để chữa sẽ không hiệu quả và không cần thiết.

Nhiều bố mẹ hiểu lầm do bé ngủ nhiều vào ban ngày nên ban đêm khó ngủ bởi vậy bắt bé thức nhiều hơn vào ban ngày để đêm bé ngủ. Tuy nhiên thực tế là nếu bé thức nhiều vào ban ngày, bé ngủ ko đủ sẽ cáu bẳn khó ngủ hơn. Mẹ nên dùng các biện pháp giúp bé thư giãn hơn như tắm, matxa cho bé trước khi đi ngủ, đọc truyện trước khi ngủ để bé thư giãn. Tránh các sự giao tiếp trực tiếp với bé, nô đùa khiến thần kinh bé hưng phấn khó ngủ hơn.

Trên đây là những điều bố mẹ cần lưu ý trong chăm sóc em bé 4 tháng tuổi. Hy vọng thông qua bài viết bố mẹ có thêm nhiều những thông tin, những kiến thức về cách chăm sóc bé 4 tháng tuổi một cách hiệu quả. Đừng quên luôn có arau.baby đồng hành cùng bố mẹ trong quá trình chăm bé lớn khôn nhé.

 

Tham khảo những bài viết liên quan:

Những lưu ý bố mẹ cần biết khi chăm sóc em bé 6 tháng tuổi

Vì sao cần chú trọng vỗ ợ hơi cho em bé sơ sinh?

Top 3 thực phẩm tưởng cần thiết nhưng có hại cho bé dưới 1 tuổi

 
← Bài trước Bài sau →