Đặc điểm quan trọng về trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi mẹ nhất định phải biết

Khi bé bước sang tháng thứ 3, lúc này mẹ và bé đã tương tác với nhau tốt hơn. Đây là giai đoạn thích hợp để mẹ rèn cho bé nếp ăn, nếp ngủ, tạo tiền đề cho giai đoạn sau để bé phát triển tốt hơn. Cùng arau.baby tìm hiểu về những đặc điểm quan trọng về trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi mẹ nhất định phải biết trong bài viết này nhé.

Về dinh dưỡng

Mẹ có thể tăng lượng sữa/cữ của bé từ 120ml - 150ml sữa/cữ. Thời gian giữa 2 cữ cũng nên dãn ra hơn nữa. Với cữ sữa ban ngày, lý tưởng nhất mẹ nên kéo dài từ 3 - 3,5 giờ cho bé ăn 1 lần. Ban đêm bé có 1 - 2 lần ăn đêm. Nếu mẹ có thể sắp xếp cữ sữa hợp lý, bé ăn hợp tác thì vào ban đêm bé chỉ cần ăn thêm 1 lần là đủ. Tổng 1 ngày em bé có khoảng  6 - 7 cữ sữa.

Mẹ vẫn dựa vào cân nặng để áng chừng lượng sữa cho bé ăn dựa theo công thức tính lượng sữa  là 120ml/kg/ngày. Mẹ lưu ý không cho bé ăn thêm bất cứ thứ gì, không cho bé ăn dặm ở độ tuổi này, không cho bé uống thêm nước kể cả sữa mẹ hay sữa công thức.

Cách cho bé bú

Mẹ nên luyện cho bé bú theo giờ giấc nhất định hay chính là theo cữ bú của con, không cho bé bú lắt nhắt. Mỗi cữ bú của bé không được ngắn hơn 5 phút, không dài hơn 15 phút. Thời gian bé bú lý tưởng nhất mỗi cữ là từ 10 - 15 phút. Với thời gian như vậy em bé sẽ nhận đủ lượng sữa mẹ.

Về sữa mẹ, lượng sữa đầu của mẹ có nhiều vitamin, đường để giải khát, lượng sữa sau có nhiều chất béo cung cấp năng lượng giúp em bé tăng cân tốt hơn. Điều này mẹ cần chú ý để tránh mắc sai lầm cho bé bú trong thời gian quá ngắn, quá nhanh khiến bé không bú được sữa sau của mẹ, không hấp thu được chất béo nên không tăng cân.

Về giấc ngủ

Tổng thời gian ngủ trong ngày của bé giai đoạn này vẫn duy trì 14 - 16 tiếng/ngày. Tuy nhiên, giấc ngủ của bé bắt đầu có sự thay đổi. Trước đây, khi tháng thứ 1, tháng thứ 2 bé thường ngủ đều đều, mỗi cữ thường ngủ 3 - 4 tiếng, ít có sự khác biệt giữa cữ ngủ ngày và cữ ngủ đêm. Hiện tại, cữ ngủ đêm của bé dài ra và cữ ngủ ngày ngắn lại. Ban ngày bé sẽ có khoảng từ 3 - 4 giấc ngủ và mỗi giấc khoảng 1,5 - 2 tiếng. Ban đêm, giấc ngủ của bé kéo dài từ 5 - 6 tiếng và tổng bé ngủ được khoảng 10 tiếng mỗi đêm.

Ở giai đoạn này, mẹ bắt đầu luyện nếp ngủ cho con, phân biệt được giấc ngủ đêm và ngủ ngày. Mẹ cần sắp xếp sao cho thời gian thích hợp để bắt đầu giấc ngủ buổi đêm vào khung giờ từ 19h - 21h. Bởi vì mọi em bé cần được ngủ giấc ban đêm trước 9h tối. Ban đêm bé phải ngủ từ 5 - 6 giờ liên tục thì mẹ mới nên thức em bé dậy cho ăn 1 lần, có bé tự dậy vì đói và đòi ăn.

Mẹ nên cân đối giờ giấc để có thể xen kẽ giữa các cữ ngủ ban ngày với các cữ bú sao cho hợp lý với thể trạng của bé

Hỗ trợ hoạt động của con

3 tháng là thời điểm mẹ cần chú trọng những hoạt động để phát triển trí não cho bé. Bởi vì, giai đoạn này bé bắt đầu nhận biết tốt hơn về màu sắc, âm thanh, biết gắn kết hình ảnh và âm thanh. Đó chính là lý do bé đã nhận ra mẹ chỉ bằng âm thanh, hình ảnh.

Mắt bé lúc này đã nhận biết được màu sắc nên bố mẹ sẽ hỗ trợ kích thích phát triển cho bé bằng các loại màu sắc bằng cách có thể cho bé chơi những đồ chơi an toàn và có nhiều màu sắc. Tuy nhiên, bố mẹ không được dùng ánh đèn sáng, đèn màu, gây ảnh hưởng đến mắt của bé.

Đồ chơi âm thanh cũng là đồ chơi hỗ trợ phát triển rất tốt vì lúc này bé đã bắt đầu ê a. Nhưng quan trọng hơn cả, bố mẹ cần dành thời gian để nói chuyện với con, hát cho con nghe, đọc chuyện cho bé nghe ít nhất 1 tiếng/ngày. Tiếng nói trực tiếp của bố mẹ sẽ tác động lên bé nhiều nhất, giúp bé bắt chước, thích nghi nhanh chóng.

Hoạt động tay chân của bé lúc này đã có sự linh hoạt hơn. Mẹ hãy cho bé tập nằm sấp nhiều hơn để hỗ trợ hoạt động vận động của bé, chuẩn bị bắt đầu cho giai đoạn tập lẫy. Khi nằm sấp bé sẽ cố gắng ngóc cổ, tỳ tay xuống và có xu hướng đẩy cả người trước lên khỏi mặt phẳng… dần dần bé sẽ cứng cổ hơn, nhanh biết lẫy hơn.

Một số lưu ý khác khi chăm sóc bé ở giai đoạn này

Giai đoạn này bé rất thích bế đứng, bế vác vì khi não bộ phát triển hơn bé bắt đầu hứng thú với các hoạt động khám phá thế giới xung quanh hơn. Tuy nhiên, bố mẹ chú ý hạn chế việc bế đứng, bế vác này. Nguyên nhân vì giai đoạn này bé chưa cứng cáp hẳn, khi bế trong tư thế như vậy sẽ dồn trọng lực vào thắt lưng, xương khớp của bé ảnh hưởng rất không tốt đến quá trình phát triển của bé. Bố mẹ có thể bé với tư thế nửa ngồi nửa nằm của mình để đặt trọng lực lên vai bố mẹ, nhưng hạn chế càng nhiều càng tốt tránh tạo thói quen cho bé.

Bố mẹ thường nhầm lẫn hiện tượng rụng tóc vành khăn với biểu hiện bệnh lý của con và cho rằng rụng tóc vành khăn là do thiếu canxi. Tuy nhiên, đây là đặc điểm sinh lý bình thường, ở tháng 3 theo chu trình, bé sẽ rụng mảng tóc ở sau gáy. Tất cả các bé đều sẽ có hiện tượng này, nó giống như việc thay răng sữa vậy. Những bé tóc thưa, mỏng thì bố mẹ khó phân biệt, nhưng đối với bé tóc dày rụng rõ rệt hơn.

Mặt khác, giai đoạn này, bé có những khó chịu và quấy khóc nhiều hơn khiến bố mẹ hiểu lầm. Những biểu hiện này có thể do bé thiếu vitamin D vì  không được bổ sung ngay từ đầu. Hoặc đơn giản bé có những nhu cầu mà bố mẹ không nhận để đáp ứng kịp thời khiến bé khó chịu. Tóm lại, rụng tóc vành khăn không liên quan gì đến thiếu canxi, mà chỉ là đặc điểm sinh lý bình thường của bé.

Bố mẹ lưu ý nếu bé rụng tóc mà có kèm theo gàu, có mụn nước thì đây là biểu hiện bệnh lý liên quan đến viêm da đầu, nấm… Bố mẹ cần chú ý để vệ sinh sạch sẽ cho bé tránh các bệnh lý liên quan dễ phát sinh.

Bố mẹ cũng cần lưu ý đến thời điểm này bé đã đủ tuổi để bắt đầu đi tiêm phòng những mũi tiêm đầu tiên như: 5in1, 6in1, phế cầu, rota để xây dựng hệ miễn dịch cho bé. Cần cho bé đi tiêm phòng càng sớm càng tốt so với lịch tiêm.

Trên đây là những đặc điểm bố mẹ cần lưu ý để chăm sóc bé sơ sinh 3 tháng tuổi. Hy vọng, với bài viết này, bố mẹ đã có thêm những thông tin hữu ích để tự tin hơn trong chăm sóc em bé sơ sinh.

 

Tham khảo thêm bài viết liên quan:

Thóp của trẻ sơ sinh và những điều mẹ cần biết

Đặc điểm giấc ngủ của trẻ sơ sinh

Chăm sóc mũi họng cho bé khi nằm phòng điều hòa

Đặc điểm quan trọng về em bé sơ sinh 4 tháng tuổi mẹ nhất định phải biết

Những lưu ý bố mẹ cần biết khi chăm sóc trẻ 6 tháng tuổi

← Bài trước Bài sau →