Trẻ sơ sinh tắm mấy lần 1 tuần là đủ?
Trẻ sơ sinh tắm mấy lần một tuần luôn là câu hỏi muôn thuở của các bậc cha mẹ. Tùy vào độ tuổi của bé mà cha mẹ cần điều chỉnh phương thức tắm cũng như tần suất tắm phù hợp.
Lần tắm đầu tiên của bé
Mặc dù tắm cho bé tưởng chừng như là một việc khá đơn giản, tuy nhiên lần đầu tắm cho bé không khỏi khiến nhiều bậc phụ huynh bối rối. Dưới đây là những điều quan trọng mà bạn cần ghi nhớ khi tắm cho trẻ sơ sinh:
Thông thường, khi đi sinh tại viện các bé sẽ được y tá tắm cho lần đầu tiên. Bé sẽ được tắm trong 24 giờ đầu sau sinh. Ba mẹ hãy quan sát những gì các y tá đang làm và xin một số kinh nghiệm cũng như lời khuyên trong việc tắm bé, nhất là đối với những ai lần đầu làm ba mẹ. Bất kỳ lời khuyên của các chuyên gia sẽ đều có lợi đối với quá trình chăm sóc bé sau này.
Ba mẹ chỉ nên tắm cho bé một hoặc hai lần/ tuần. Điều quan trọng là phải cẩn thận cuống rốn khi tắm cho bé. Bạn không nên tắm bé trong nước quá lâu khi cuống rốn của bé chưa rụng.
Tắm bằng bọt tắm gội là sự lựa chọn tốt nhất dành cho bé. Hãy thật nhẹ nhàng xoa đều bọt tắm gội lên đầu bé. Massage nhẹ nhàng để gội sạch đầu cho bé từ tóc cho đến sau hai bên tai và sau gáy của bé. Sau khi gội đầu xong cho bé, ba mẹ nên lau khô tóc bé bằng khăn và tắm xuống phần thân cho bé.
Nơi tắm cho bé ba mẹ nên chọn nơi kín gió có nhiệt độ phòng từ 25-26 độ, nếu thời tiết lạnh cần có đèn sưởi. Thời gian tắm lý tưởng cho trẻ là gần trưa hoặc giữa buổi chiều.
Bé từ 1 tháng - 3 tháng tuổi
Nếu bé nhà bạn được 2 tháng tuổi và bạn băn khoăn không biết nên tắm cho bé bao nhiêu lần/ tuần, hãy đọc phần này:
Đối với trẻ sơ sinh trong độ tuổi từ 1 đến 3 tháng, nên tắm 1 - 2 lần/ tuần. Sau khi cuống rốn của bé đã rụng hết, bạn có thể cho bé tắm bình thường.
Bạn có thể sử dụng bồn tắm nằm cho bé hoặc cho bé tắm trong bồn rửa mặt.
Bắt đầu với việc gội đầu và rửa mặt cho bé, sau đó đến tắm toàn thân. Bạn nên sử dụng sữa tắm dịu nhẹ để làn da mỏng manh của bé luôn được vệ sinh sạch sẽ và an toàn.
Bé từ 3 tháng - 6 tháng tuổi
Ở giai đoạn này, mặc dù bé đã lớn hơn, cứng cáp hơn nhưng vẫn chưa thể đứng vững được. Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý khi tắm cho con bạn ở độ tuổi này:
Em bé của bạn vẫn còn khá nhỏ và sẽ không cần tắm nhiều hơn 3 lần/ tuần. Nhưng nếu bạn cảm thấy bé thích thú với việc đi tắm, bạn có thể tắm cho bé nhiều hơn.
Nếu bạn muốn tắm cho bé nhiều hơn 3 lần/ tuần, bạn nên sử dụng các loại sữa tắm an toàn, có nguồn gốc từ tự nhiên để tắm cho bé.
Sau khi tắm xong cho bé, bạn có thể sử dụng sữa dưỡng ẩm dịu nhẹ, không có hương liệu, không chứa chất tạo màu để cấp ẩm cho da bé luôn mềm mịn.
Bé từ 6 tháng - 12 tháng tuổi
Ở mốc này, bé đã bắt đầu hoạt động nhiều hơn rất nhiều. Em bé của bạn sẽ biết bò, hoặc có thể bắt đầu đi bộ. Bé thậm chí đã bắt đầu bước vào quá trình ăn dặm. Rõ ràng, đây là lúc bạn sẽ cần tắm cho bé nhiều hơn trước đó một chút. Đây là những gì bạn nên làm:
Bạn có thể tăng thời gian tắm cho bé nếu muốn.
Bây giờ em bé của bạn đã có khả năng tự ngồi, bạn sẽ muốn bắt đầu sử dụng chậu tắm riêng cho bé.
Luôn giữ nước tắm chỉ sâu vài inch. Nếu bé không thích được tắm, bạn có thể mua một vài món đồ chơi để bé không bị phân tâm.
Lựa chọn loại sữa tắm thảo mộc có hương thơm dịu nhẹ sẽ giúp bé thư giãn hơn sau khi tắm và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Tại sao bạn không nên tắm cho bé mỗi ngày?
Một số người có thể thấy kỳ lạ khi đọc hướng dẫn chỉ nên tắm cho bé vài lần/ tuần. Tuy nhiên, việc tắm nhiều lần trong tuần không thực sự cần thiết cho bé. Bên cạnh đó, da bé cũng nhạy cảm hơn da của người lớn rất nhiều, vì vậy việc tắm quá thường xuyên sẽ có tác dụng ngược lại với những gì bạn thực sự muốn.
Tắm cho bé quá thường xuyên có thể thực sự gây ra các vấn đề về da như bệnh chàm. Ngược lại, nếu bạn tắm cho bé quá ít, bé sẽ gặp phải các vấn đề như mẩn ngứa, rôm sảy… Sau khi tắm cho trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể bôi một ít kem dưỡng da dịu nhẹ lên làn da mỏng manh và nhạy cảm của trẻ, đặc biệt đối với những bé bị khô da, kích ứng hoặc chàm. Tuy nhiên nên hạn chế thoa phấn rôm dạng bột vì nhiều khả năng sẽ khiến bé bị khó chịu đường thở, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
Cách giữ bé luôn sạch sẽ giữa hai lần tắm
Không tắm cho bé thường xuyên mỗi ngày, không có nghĩa là bạn không cần đảm bảo rằng bé luôn được sạch sẽ. Có một số vùng trên cơ thể bé mà cha mẹ cần chú ý để làm sạch cho bé mỗi ngày.
Vì trẻ sơ sinh có xu hướng chảy nhiều nước dãi, bạn cần phải luôn đảm bảo lau mặt sạch sẽ cho bé. Nhớ nhẹ nhàng nâng cằm và lau sạch vùng dưới cổ vì sữa và nước dãi có thể trượt xuống và gây phát ban nếu không được lau sạch.
Tương tự như vậy, bạn nên đảm bảo thường xuyên vệ sinh vùng kín của trẻ. Nếu cậu nhỏ của bé chưa cắt bao quy đầu, bạn sẽ cần nhẹ nhàng kéo bao quy đầu về phía sau và vệ sinh vùng xung quanh. Bằng cách này, bé sẽ không bị tích tụ nước tiểu. Nếu bạn không chắc chắn về cách thực hiện, hãy tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Đối với các bé gái, xung quanh kín có những nếp gấp cũng cần được vệ sinh kỹ càng hàng ngày.
Lượng nước bao nhiêu là đủ cho mỗi lần tắm?
Các chuyên gia khuyên rằng nên đổ trước khoảng 5cm nước ấm vào chậu tắm, sau đó tiếp tục đổ chầm chậm nước ấm lên cơ thể bé trong suốt quá trình tắm để tránh cảm giác lạnh. Theo một số nghiên cứu, mực nước trong chậu cao vừa khỏi tầm vai của bé sẽ có tác dụng giữ ấm và đem lại sự thoải mái tối đa. Tuy nhiên, yếu tố an toàn phải luôn được đặt lên hàng đầu với bất kỳ lượng nước nào.
Trẻ sơ sinh tắm mấy lần một tuần là mối quan tâm hàng đầu của các phụ huynh lần đầu làm ba mẹ. Ban đầu, bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu khi không tắm cho bé hàng ngày, nhưng bạn sẽ sớm nhận ra nhiều lợi ích của việc này. Không nên tắm quá nhiều hoặc tắm cho trẻ quá ít. Duy trì ổn định số lần tắm là điều vô cùng quan trọng để đảm bảo sức khỏe và vệ sinh của bé.
Tham khảo: